Bị xử phạt 120 triệu đồng vì khai thác cát “ lậu” trên sông Đồng Nai Lại phát hiện “cát tặc” bơm hút và vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai |
Hơn 2 năm nay, người dân ở thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ bức xúc vì sự yên bình vốn có của vùng quê nơi đây bị đảo lộn bởi tiếng ồn của những chiếc xe ben ngày đêm ra vô chở cát, kể từ ngày một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông La Tinh (xã Cát Tài, huyện Phù Cát).
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Danh khai thác cát trên sông La Tinh. Ảnh: Hoài Luân |
Người dân ở thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) cho hay, đây là năm thứ 3 Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Danh hoạt động lấy cát trên sông La Tinh. Họ khai thác, vận chuyển cả ngày lẫn đêm gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Các hộ dân tại thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) cũng lo ngại việc doanh nghiệp này khai thác cát sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông nên người dân ở đây đã làm đơn kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định.
Cát được công ty này hút lên chất thành đống hai bên bờ sông La Tinh. Ảnh: Hoài Luân |
"Việc khai thác cát của công ty này sẽ gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất sản xuất, nhà cửa của chúng tôi mỗi khi có mưa lũ. Họ khai thác cát nhưng không thấy treo bảng thông tin mỏ cấp phép về vị trí, diện tích khai thác nên người dân chúng tôi cũng không biết được họ có lấy cát ở ngoài nơi được cấp phép hay không" - ông Đ (người dân sống tại thôn Kiên Phú) chia sẻ.
Ghi nhận vào những ngày giữa tháng 2/2023, tại nơi khai thác cát không có bảng thông tin mỏ cát cấp phép theo quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 157 và không có các yêu cầu đã ghi trong giấy phép. Hai bên bờ sông La Tinh xảy ra tình trạng sạt lở.
Khu vực được cấp phép khai thác cát nhưng không treo bảng thông tin mỏ cát. Ảnh: Hoài Luân |
Thông tin về vấn đề trên, ông Hồ Văn Long - Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài cho biết, việc người dân phản ánh là vì họ lo ngại tình trạng sạt lở bờ sông La Tinh sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai của họ vào mùa mưa lũ.
"Địa phương đã nắm được phản ánh của người dân, tuy nhiên trên một dòng sông do hai địa phương quản lý địa giới hành chính khác nhau nên rất khó xử lý" - ông Long cho hay.
Hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ mặc dù người dân liên tục phản ứng. Ảnh: Hoài Luân |
Ông Nguyễn Bá Quang - Chủ tịch UBND xã Cát Tài cho biết, đã có văn bản trả lời cho các hộ dân thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) về việc phản đối Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Danh hoạt động khai thác cát trên sông La Tinh. Hằng năm, sau mùa mưa lũ, cát được bồi lấp nên phải nạo vét, khơi thông dòng chảy để phục vụ dự án mà doanh nghiệp thi công công trình trên địa bàn xã.
"Đến ngày 25/2/2023, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Danh sẽ hết thời hạn được cấp phép khai thác cát trên sông La Tinh, khi nào có dự án mới mà trúng thầu thì mới được phép gia hạn lại" - ông Quang thông tin.
Xe ben ra vào liên tục để vận chuyển cát gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: Hoài Luân |
Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/11/2019, UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản số 101 cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Danh được khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình nạo vét khơi thông dòng chảy tại khu vực có diện tích 0,45ha, sông La Tinh, xã Cát Tài, với trữ lượng khai thác 5.960m3, công suất khai thác 3.262m3 cát/năm, mức sâu khai thác không quá 1,5m, cao trình kết thúc khai thác không thấp hơn cao trình chân kè +1.90m.
Đến ngày 2/12/2022, UBND tỉnh Bình Định gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản số 157 để phục vụ công trình Khắc phục khẩn cấp chống sạt lở suối Xi Phong, khối lượng thi công 1.447m3 cát và công trình bê tông xi măng giao thông nông thôn nội đồng, khối lượng thi công 430m3 cát do UBND xã Cát Tài làm chủ đầu tư.