Amway là một trong những nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh Internet |
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình một dự án đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam có quy mô vốn khoảng 12,2 triệu USD, thấp hơn mức bình quân của một dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 13 triệu USD. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 18/21 ngành của Việt Nam, song khác với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, vốn FDI của Hoa Kỳ không tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mà đa số tập trung nhiếu nhất vào lĩnh vực lưu trú và dịch vụ ăn uống, với 20 dự án, có tổng vốn đăng ký 4,3 tỷ USD, chiếm 42,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ xếp thứ 2, với 335 dự án, có tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 27,8% tổng vốn đầu tư và kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 12 dự án, có tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam theo 3 hình thức, bao gồm: 100% vốn nước ngoài, liên doanh và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, hình thức 100% vốn nước ngoài vẫn được nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ lựa chọn hơn cả. Hiện đã có 694 dự án của nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,6 tỷ USD, chiếm 84,8% về vốn đăng ký. Hình thức liên doanh có 128 dự án, với 1,46 tỷ USD, chiếm 14,3% về vốn đăng ký, còn lại là đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có mặt tại 45/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có điều kiện hạ tầng thuận lợi như Bà Rịa - Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương. Các địa phương này đã thu hút hơn 7,1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn của Hoa Kỳ tại Việt Nam.