Theo diễn biến mới nhất của đại dịch Covid-19, chính phủ các nước vẫn không ngừng thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu sự lây lan của virus, khiến thị trường bán lẻ truyền thống của doanh nghiệp Việt đã phải hứng chịu những tác động nặng nề.
Thích ứng với xu hướng này, hàng loạt doanh nghiệp Việt trong các ngành từ gỗ, thủy sản, thực phẩm… đều phải thay đổi chiến lược kinh doanh khi đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Với ngành gỗ, theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), HAWA cùng các đối tác hội viên đang xây dựng nền tảng kết nối để tạo một hội chợ ảo cho các sản phẩm gỗ Việt. Các sản phẩm giới thiệu tại đây đều được quay phim 3D để mang tới trải nghiệm thực tế nhất cho khách hàng. Qua đó, HAWA và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bán được hàng nhiều hơn, tiến xa hơn trong tương lai.
Trong lĩnh vực hàng nông sản, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group - chia sẻ, với sự co hẹp của các thị trường xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa, nhưng các sản phẩm của Phúc Sinh cung cấp ra thị trường vẫn tăng trưởng ổn định. Ông Thông cho biết, sở dĩ công ty đạt kết quả này do nhanh chóng triển khai bán hàng trên các trang thương mại điện tử và website của công ty. Theo đó, doanh số bán online đã tăng từ 5% lên 15%. Và đây cũng sẽ là một trong những kênh phân phối chính mà công ty sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới, đáp ứng xu hướng mới trong sự chuyển đổi của hành vi mua sắm từ người dùng và kinh tế chuyển đổi số.
Không riêng Phúc Sinh mà rất nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (sản phẩm mật ong), Công ty TNHH Đông Phát Food (sản phẩm trái cây, rau quả), Công ty TNHH Ba Huân (thực phẩm)… cũng đang thích ứng với hình thức kinh doanh này.
Các dự án nhà xưởng cần mở rộng quy mô và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất |
Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - nhận định: Cùng với xu hướng trên của doanh nghiệp, chắc chắn, sự phụ thuộc vào thương mại điện tử sẽ bùng nổ và sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng trực tuyến. Do đó, lĩnh vực hậu cần, kho bãi sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ việc gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3 chính là những bài học vô giá đối với kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
“Trong bối cảnh đại dịch đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng, việc đánh giá hiệu quả của hậu cần thương mại điện tử và chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Các nhà phát triển, chủ nhà và khách thuê phải gấp rút đánh giá lại mô hình hoạt động của họ, và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để chuẩn bị cho các tình huống trong trường hợp xảy ra một kịch bản lây nhiễm khác", ông Stephen chia sẻ.
Theo JLL, trước đây, ngành hậu cần phục vụ cho thương mại điện tử cần rất nhiều người lao động. Tuy nhiên, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học máy tính (machine learning) và Internet vạn vật, được gọi chung là Công nghiệp 4.0, đã cho phép tự động hóa mọi quá trình làm việc, tăng năng suất, sử dụng không gian hiệu quả hơn, giảm tương tác vật lý của con người, và quan trọng hơn hết đây là một động lực để giảm lây truyền virus. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều cơ sở kho bãi hiện nay vẫn còn khá lạc hậu so với tốc độ tăng trưởng của công nghệ, đã đến lúc các bên liên quan cần tiến hành tái phát triển và nâng cấp kho bãi công nghệ thông minh và tự động hóa cao, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn.
Từ những hạn chế này, các chuyên gia ngành logistics cho rằng, để lĩnh vực hậu cần thích ứng trong tương lai, chủ đầu tư cần cân đối giữa nhu cầu không gian và các thông số kỹ thuật nhằm thuận tiện cho việc áp dụng công nghệ. Bên cạnh đó, với áp lực gia tăng về tốc độ giao hàng, các nhà phát triển nên tìm đến các địa điểm chiến lược gần với khu dân cư (hậu cần đô thị), có liên kết giao thông hiệu quả và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Bởi lẽ vị trí kho bãi sẽ phần nào giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, từ đó giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” cho những sản phẩm hàng hóa của mình.