Doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm đối tác kinh doanh tại Việt Nam |
Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm công nghiệp chế biến, chế tạo…
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 5/2022, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 9.288 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đạt 79,06 tỷ USD.
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt hơn, số vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã bỏ xa Singapore - quốc gia giữ ngôi vị “á quân” đầu tư vào Việt Nam với 2.899 dự án và 68,68 tỷ USD.
Công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc |
5 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhưng dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn rất tích cực. Cụ thể, có 112 dự án FDI của Hàn Quốc đăng ký mới vào Việt Nam trong 5 tháng, cùng với đó là 134 dự án FDI đăng ký tăng vốn và 491 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Xét cả về số dự án đăng ký mới, dự án tăng vốn và lượt góp vốn mua cổ phần, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Tính chung 5 tháng, Việt Nam thu hút thêm được trên 2 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Andrew Lee - Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh thị trường Hàn Quốc (Savills Việt Nam): Hàn Quốc là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất vào tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều nhất nhà đầu tư đến từ quốc gia này.
“Từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng vốn FDI Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam luôn đạt tỷ lệ hơn 70%. Tính đến tháng 11/2021, tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận sự tăng trưởng và đạt mức 74%” - ông Andrew Lee thông tin thêm.
Trong đó, ông Andrew Lee cho rằng, một trong những dự án điển hình trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Hàn Quốc tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án thêm 920 triệu USD cho Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam. Với lần điều chỉnh này, vốn đầu tư Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 USD lên 2,27 tỷ USD. Nhà máy sản xuất và lắp ráp các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.
Thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đánh giá cao lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn lao động, lợi thế về ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Từ đó khẳng định, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn với dòng vốn FDI Hàn Quốc trong thời gian tới.
Nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu "để mắt" đến lĩnh vực bất động sản |
… nhưng không bỏ qua cơ hội với bất động sản
Tuy nhiên, theo ông Andrew Lee, bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, các nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Tỷ trọng vốn FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực này năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm trước đó và xu hướng này tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chào đón nhiều dự án bất động sản mới. Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”. Bên cạnh đó, Tập đoàn YSL cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án được xây dựng theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong tương lai, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế đang dần phục hồi, lạm phát được kiểm soát ổn định, nhu cầu về bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Do đó, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực này cũng được dự báo tăng lên.
Bên cạnh bất động sản khu công nghiệp, lĩnh vực hậu cần, kho vận cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.
Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hồ sơ và tránh phụ thuộc vào một trong những chuỗi cung ứng, những địa phương sở hữu lợi thế về vị trí địa lý gần biên giới, cảng biển cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư.
"Cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới” - Andrew Lee thông tin thêm.