Theo Tiến sĩ Đoàn Minh Phú - Tổng giám đốc kiêm Tổng bếp trưởng chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 các DN F&B chịu áp lực trong kinh doanh rất lớn. Đó là chi phí thuê mặt bằng cao, chiếm 15- 30% doanh thu bán hàng. Đây là gánh nặng rất lớn cho các DN khi không thể hoạt động mà vẫn phải thực hiện hợp đồng thuê đã ký.
DN kinh doanh ngành F&B chịu áp lực lớn chi phí giá thuê mặt bằng |
Ngoài ra, đặc thù của DN kinh doanh nhà hàng là phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý, đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện về nơi chế biến, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ chịu sự quản lý trong lĩnh vực y tế. Việc quản lý mạng lưới nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng vô cùng quan trọng, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và thành phẩm. Dưới ảnh hưởng dịch Covid-19, việc di chuyển giữa các vùng bị hạn chế, sự gián đoạn trong sản xuất hàng hóa khiến nguồn nguyên liệu không được đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng... Những khó khăn này đã tạo áp lực lớn cho các DN kinh doanh F&B.
Đứng trước nhiều khó khăn các DN cũng đã nhanh nhạy để thích ứng trong kinh doanh. Ngay sau khi bình thường mới chuỗi cà phê Coffee House vẫn tiếp tục đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng hỗ trợ giá thuê. Tuy nhiên, các cửa hàng hiện có phải chuyển đổi mô hình, công năng để kiểm soát chi phí và phù hợp với các yêu cầu mới như giao hàng online, bán hàng mang đi.
Thương hiệu Otoké Chicken hay McDonald’s cũng đã triển khai thí điểm một vài quầy kệ phục vụ bữa sáng cho khách hàng ở vỉa hè trước các cửa hàng của mình, chủ yếu bán hamburger và cà phê để khách mua mang đi. Chuỗi cà phê Ông Bầu thì chủ động phát triển nhiều phân khúc, từ cửa hàng vị trí đẹp đến xe đẩy chuyên bán mang đi. Hệ thống này cũng bắt tay với chuỗi nhà hàng Ba Gác để chia ca sử dụng mặt bằng “vàng” với chi phí thấp.
Dịch vụ kinh doanh ăn uống là một phần diện mạo của đời sống kinh tế xã hội. Khi đời sống của đại bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài, hàng triệu người mất việc làm, mất thu nhập, khiến nhu cầu ăn uống ở nhà hàng trong dân giảm mạnh, mất cân đối cung cầu. Cần một thời gian nữa, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các DN khởi động, phục hồi chuỗi sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, người lao động có việc làm, có thu nhập, sẽ kích cầu thị trường. Do đó, những ngày cuối năm được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ và đặc biệt là ngành kinh doanh F&B có các dấu hiệu tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, các DN cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả hơn. Các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, với những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, thông qua việc đưa ra những chiến lược marketing hoặc những chiến lược quảng bá, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.
Theo Chuyên gia về đổi mới sáng tạo - ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder giai đoạn hiện nay là thời kỳ khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp của các DN với mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Việc nhiều thương hiệu kết hợp thuê chung mặt bằng còn giúp các thương hiệu mới nổi dễ xâm chiếm nhanh các mặt bằng đẹp nhưng đang trống người thuê.
Về vấn đề chi phí mặt bằng, Tiến sĩ Đoàn Minh Phú chia sẻ thêm, các đơn vị kinh doanh có thể đàm phán với chủ mặt bằng để giảm một phần phí thuê, không gây thiệt hại cho cả hai bên. DN cũng cần thay đổi để thích ứng với tình hình bằng cách chuyển hoạt động kinh doanh lên nền tảng online để tiết kiệm phần lớn chi phí.