Bảo hộ CDĐL tại nước ngoài còn ít
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu không quan tâm xây dựng CDĐL, nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và thị trường hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu không đăng ký CDĐL cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp, địa phương sẽ không lường trước được việc hàng hóa của mình có thể bị nước ngoài chiếm đoạt đăng ký trước, thậm chí, bị quy kết là hàng giả, hàng nhái. Rất nhiều trường hợp CDĐL nổi tiếng của Việt Nam đã bị lấy mất nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra.
Xoài của Đồng Tháp xuất khẩu sang thị trường châu Âu |
TS. Trịnh Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - cho biết, với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Vì vậy, diễn biến của thị trường quốc tế đòi hỏi Việt Nam cũng cần phải đa dạng hóa chiến lược xuất khẩu. Trong đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao dựa trên các đặc tính của sản phẩm Việt Nam, thông qua bảo hộ thương hiệu cộng đồng. "Bảo hộ tên của các sản phẩm thông qua hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… nhằm khai thác sự nổi tiếng của sản phẩm là cách làm tốt nhất hiện nay nhiều nước trên thế giới áp dụng" - TS. Trịnh Văn Tuấn cho hay.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - thông tin, triển khai nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, CDĐL ở nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký "Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025". Trước mắt, kế hoạch phối hợp hỗ trợ sẽ lựa chọn ba sản phẩm gồm: Vải thiều (Bắc Giang), quả xoài (Đồng Tháp), quả nhãn và long nhãn (Sơn La) nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc CDĐL ở các thị trường phù hợp.
Đây là 3 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch với lượng tiêu thụ đáng kể sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... Từ thực tiễn của ba sản phẩm này, có thể đúc rút ra những kinh nghiệm quý để các địa phương khác tham khảo, học tập; mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác. Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu và tiếp theo là sản phẩm nào, cần có sự khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về sản lượng, đặc biệt là nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài.