Doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì thị trường thép ảm đạm
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo tổng hợp của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đối với thép xây dựng, tính trong tháng 10 năm 2019 các doanh nghiệp (DN) là thành viên của VSA sản xuất được 914.520 tấn, tăng 10,05% so với tháng 9 và tương đương so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 867.356 tấn, tăng 9,42% so với tháng 9 và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường thép cuộn cán nóng, tính trong tháng 10 năm 2019 sản xuất đạt 353.420 tấn, tăng 17,28% so với tháng 9 và tăng 3,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, tiêu thụ chỉ đạt 291.850 tấn, giảm lần lượt là 7,83% và 1,5% so với tháng trước và cùng kỳ năm 2018.
Đối với thép cuộn cán nguội, 10 tháng các DN sản xuất đạt 331.365 tấn, tăng 1,96% so với tháng 9 và thay đổi không đáng kể so với năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 184.920 tấn, giảm 6,72% so với tháng trước, nhưng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Không chỉ sản phẩm thép cuộn cán nóng và cán nguội giảm, mà sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 10 giảm sâu. Cụ thể, sản xuất đạt 348.902 tấn, tăng 4,51% so với tháng 9, nhưng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 325.998 tấn, tăng 4,32% so với tháng trước, nhưng giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, xuất khẩu chỉ đạt 130.158 tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đó các năm trước xuất khẩu các mặt hàng tôn đều tăng trưởng tới vài chục phần trăm. Tiêu thụ giảm, song tổng công suất lại tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn đang gặp rất nhiều khó khăn, tinh thần người lao động phân tán.
Theo bà Ninh Thị Bích Thùy- Tổng Giám đốc Công ty CP Thép TVP, việc tiêu thụ tôn gặp khó nguyên nhân không chỉ từ sức ép cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, mà đặc biệt ảnh hưởng bởi sức ép gia tăng từ chiến tranh thương mại nên việc xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các nước đều đưa ra các rào cản thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước; cộng với đó là ngân hàng trong nước siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản trong nước, các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm lại, lãi suất lại tăng cao… từ những tác động xấu đó khiến cho việc sản xuất kinh doanh của DN ngày càng gặp khó, phải cắt giảm sản xuất. Bà Thùy cũng cho biết, dù có khó khăn DN vẫn phải chủ động khắc phục để cố găng duy trì hoạt động giữ chân người lao động.
Tương tự, mặt hàng ống thép hàn thời gian gần đây không thể bứt phát tăng trưởng, thậm chí tiêu thụ còn giảm rất sâu. Nếu tính trong tháng 10 năm 2019, sản xuất đạt 192.350 tấn, tăng 5,08% so với tháng trước, nhưng giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 191.011 tấn, tăng 1,76% so với tháng trước, nhưng giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu chỉ đạt 19.357 tấn, giảm 15,83% so với tháng 9 và giảm cao tới 29,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Về xuất khẩu, tính đến 30/9/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,95 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 3,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 3,9 tỷ USD, nhưng giảm 8% về giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu xuất khẩu giảm tới 22,5%, thép cuộn cán nguội giảm tới 29%.
Xuất khẩu giảm rất sâu, trong khi nhập khẩu lại liên tục tăng theop các năm, tính đến 30/9/2019, nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 12 triệu tấn. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 8,2 tỷ USD trong 9 tháng. Nếu tính riêng thép thành phẩm các loại nhập khẩu trong 9 tháng là 11,8 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng thép tăng mạnh như: Thép hình nhập khẩu với 304.358 tấn, tăng 50,2% về sản lượng, nhưng giảm 4% về giá trị; sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu 662.509 tấn, tăng 18%. Các con số nhập khẩu tăng cao nhất vẫn thuộc về Trung Quốc, và lần lượt đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.
Đánh giá chung về tình hình thị trường thép trong tháng 10 năm 2019, lãnh đạo VSA cho biết, hầu như tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thép không tăng trưởng, đặc biệt các sản phẩm tôn, ống thép… tiêu thụ còn giảm rất mạnh, khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tài chính của DN đều giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả, việc làm, thu nhập của người lao động trong nước. Theo đà này, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể khởi sắc, thậm chí chiều hướng xấu còn kéo dài tiếp.
Để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, DN rất cần nguồn tài chính đầu vào, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các DN trong nước; cần các rào cản thương mại đủ mạnh nhằm ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng tràn vào đã làm xáo trộn thị trường giá cả trong nước. Chỉ khi giảm bớt được những gánh nặng trên thì thị trường thép mới hy vọng khởi sắc trở lại.