Trước thực trạng Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, du lịch Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề dù dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ trong nước. Dự báo hết năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa ước giảm khoảng 50% so với năm 2019; thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.
Du lịch Việt Nam đang quyết tâm để sớm vực dậy các hoạt động |
Trong Hội nghị Du lịch toàn quốc 2020 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo không chỉ ngành du lịch mà các địa phương cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch khai thác thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường quốc tế.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhóm sản phẩm du lịch mới phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mới của thị trường. Dưới góc độ của một doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường du lịch nội địa, ông Amir Ohayon, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường cũng bày tỏ quan điểm sau buổi sự kiện, rằng đây là giai đoạn để ngành du lịch tái cơ cấu và đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với từng phân khúc khách hàng.
Theo đại diện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, du lịch Việt Nam nên có thêm nhiều các mô hình nghỉ dưỡng đặc biệt được thiết kế cho từng phân khúc khách hàng riêng, đem đến trải nghiệm độc đáo mà một nơi nào khác không thể có được. Hiện nay xu hướng du lịch đang chuyển dịch dần từ checkin cảnh đẹp sang những trải nghiệm, câu chuyện có được. Đó cũng là những hồi ức mà những du khách sẽ nhớ về và kể cho bạn bè, người thân sau chuyến đi, thậm chí nhiều năm sau này.
Chính vì vậy, việc đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp với từng nhóm khách hàng là vô cùng quan trọng. Điều đó không chỉ khiến khách hàng hài lòng mà còn giúp các doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới, gia tăng tính linh hoạt khi đối mặt với những sự thay đổi lớn của thị trường. Tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và doanh nghiệp bởi chỉ một thành phần trong mắt xích khó có thể tạo nên cơ cấu mới.
Mô hình nghỉ dưỡng đặc biệt được thiết kế cho từng phân khúc khách hàng riêng được cho là giải pháp quan trọng nhằm kích cầu du lịch |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị ngành du lịch sớm thực hiện việc chuyển đổi số, thông qua kêu gọi việc xây dựng một nền tảng chung để khai thác như số hoá di sản và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; tăng cường liên kết, hợp tác để cùng phát triển.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh, phải tận dụng xu thế công nghệ mới để tăng cường kết nối, phát triển du lịch thông minh trong kỷ nguyên chuyển đổi số là hướng phát triển quan trọng và tất yếu của mỗi quốc gia.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã tăng cường ứng dụng số vào vận hành nhằm nâng cao năng suất hoạt động. Đại diện Tập đoàn Vingroup - cho rằng, chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh.
Theo đó, lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ.
Còn ông Amir Ohayon - cho biết, với sản phẩm nghỉ dưỡng có tên gọi sở hữu kỳ nghỉ ALMA được Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường triển khai tại khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa từng bước được nâng cao qua quy trình vận hành số. “Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động không chỉ giúp gia tăng hiệu suất, tiết kiệm thời gian cho cả doanh nghiệp và khách hàng, mà còn có tác dụng đảm bảo an toàn trong mùa dịch, giúp giảm thiểu tiếp xúc và các thủ tục rườm rà thủ công”- ông Amir Ohayon nhấn mạnh.
Cùng với sự thay đổi và quyết tâm của doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tàn phá ngành du lịch, chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của phát triển du lịch, khách du lịch là trung tâm của hoạt động du lịch; xác định “trong nguy có cơ”, nắm bắt các xu hướng du lịch mới, các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp du lịch.
Do đó, theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần đổi mới, sáng tạo trong phương thức quản lý, hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với các xu hướng và nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch trong giai đoạn mới.