Dịch Covid-19 lan rộng, doanh nghiệp du lịch gặp khó |
Cần sự chung vai
Với mạng lưới đối tác nước ngoài khá rộng, nhưng từ ngày dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, hiện Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà chỉ hoạt động 10%, dự kiến sang tháng 3 chỉ đạt 7%. Ông Trần Văn Ngọc - Giám đốc công ty cho biết, lượng booking (đặt hàng) của công ty từ các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài đang bị hủy lớn, thậm chí có thể phải tạm dừng hoạt động nếu như dịch kéo dài. Kinh doanh bị ngưng trệ, nhưng hiện công ty vẫn đang cố gắng để duy trì các chế độ lương, bảo hiểm cho nhân viên, người lao động.
Khó khăn đang đối diện là rất lớn, theo ông Ngọc, lo lắng hiện nay của doanh nghiệp vận tải như Phong Hà là phải thực hiện nhiều khoản chi phí như lãi suất ngân hàng, thuế, bảo hiểm… Với doanh thu thực tế trong thời điểm này là đang gần như bằng 0, hoặc có thêm nguồn thu khác thì vẫn không đủ để đơn vị vận hành, chi phí. “Chúng tôi mong có sự hỗ trợ, định hướng gấp rút từ ban ngành quản lý cho doanh nghiệp, nhất là các hỗ trợ vay vốn ngân hàng, lùi thời hạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vượt qua được khó khăn” - ông Ngọc kiến nghị.
Ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ có sự vững vàng vượt bão |
Lao đao không kém các doanh nghiệp vận chuyển như Phong Hà, hiện khối doanh nghiệp lữ hành đang chịu một sự tác động của dịch Covid-19 rất nặng nề. Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch Goldentour - cho biết, khi dịch bùng phát mạnh, nhất là sau Tết, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) của đơn vị từ thị trường Trung Quốc hủy 100%, còn các vùng chưa có dịch như Indonesia, Malaysia hủy hơn 50%; thị trường khách đi nước ngoài (outbound) đăng ký tour Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã thông báo hủy từ 15-20 đoàn khách; thị trường khách nội địa cũng rất trầm lắng khi các lễ hội tạm thời dừng hoạt động.
Theo ông Dũng, đây là khó khăn chung của tất cả các ngành kinh tế, tuy nhiên, với ngành du lịch nhiều nhạy cảm, phụ thuộc hầu hết các lĩnh vực nên trong khi dịch ngày càng phức tạp chỉ mong Chính phủ cũng như cơ quan quản lý ngành du lịch có thông tin rõ ràng, minh bạch đến du khách; tuyên truyền các điểm đến Việt Nam an toàn tới các thị trường mới, thị trường xa, các đối tác trên thế giới, tránh gây hoang mang. Đồng thời, cần nhanh chóng có giải pháp tạo đà kích cầu thị trường chưa có dịch như Bắc Âu, châu Mỹ, Úc, Canada; kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ có giá hỗ trợ để tạo ra sản phẩm mới lạ, an toàn cung cấp cho du khách... giúp doanh nghiệp cũng như ngành du lịch sớm thoát khỏi khủng hoảng.
Tận dụng khoảng lặng để tái cấu trúc doanh nghiệp
Trước khó khăn hiện nay của ngành du lịch và doanh nghiệp, CLB lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm WTO, CLB Doanh nhân Việt Nam tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm về quản trị; tìm hiểu thị trường mới như Mỹ, châu phi; tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để khai thác thị trường du lịch…
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội - cho biết, khi dịch bùng phát dịch, CLB đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị thành viên thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho du khách phòng tránh, phát khẩu trang miễn phí tại các điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội; tổ chức chương trình tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp cho doanh nghiệp có thêm những kỹ năng vận hành, nhất là trong thời điểm khủng hoảng để mang tới những tín hiệu lạc quan; chuẩn bị phục hồi sau khi dịch kết thúc. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, CLB còn tích cực triển khai các hoạt động hướng tới vùng bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch như Nha Trang, Đà Nẵng…
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo ông Trần Văn Ngọc, sự hỗ trợ, chung sức của CLB lữ hành UNESCO là hết sức giá trị, là cầu nối để doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn gửi tới Chính phủ, cơ quan quản lý, ban ngành. “Ngoài sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đang rất chủ động, bằng nội lực để "vượt bão" thông qua việc đưa ra phương án, chiến lược kinh doanh mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay” – ông Ngọc nói.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp từ CLB lữ hành UNESCO là hết sức kịp thời |
Đánh giá về các hoạt động của CLB lữ hành UNESCO hỗ trợ doanh nghiệp ngành dịch vụ, bà Trịnh Thị Hương - Trưởng phòng Tổng hợp và chính sách Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm các giải pháp thoát khủng hoảng do dịch Covid-19 là hết sức quan trọng, kịp thời của các cơ quan liên quan.
Nhìn nhận về thực tế khó khăn hiện nay, đại diện Cục Phát triển và doanh nghiệp cho rằng, khủng hoảng và bị nhàn rỗi nên xem như là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, biết mình đang thực sự “ốm yếu” chỗ nào để có những đề xuất phù hợp tới cơ quan quản lý, qua đó cơ quan quản lý có những quyết sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên, để có những kiến nghị thuyết phục, đầy đặn lên Chính phủ, doanh nghiệp phải thông tin, đánh giá cụ thể những tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra” - bà Hương nhấn mạnh.
Ngoài cập nhật những khó khăn của doanh nghiệp, hiện Cục Phát triển doanh nghiệp đang triển khai vận hành thí điểm “Hệ thống đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”. Đây là công cụ tự động đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào việc đo lường 10 chỉ số cốt lõi, quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tìm ra điểm yếu nhất của doanh nghiệp và tư vấn trực tiếp từ chuyên gia huấn luyện quốc tế.
Bà Trịnh Thị Hương thông tin thêm, Hệ thống đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được coi là công cụ 2 trong 1, nghĩa là vừa để doanh nghiệp nắm được “sức khỏe” của bản thân, vừa phục vụ cho cơ quan quản lý nắm được tình hình hoạt động, thực trạng của doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả chính sách, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển bền vững.