tư duy…
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - khẳng định: Nếu doanh nghiệp, doanh nhân nào còn mang suy nghĩ Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập thì doanh nghiệp, doanh nhân đó đã tự loại mình khỏi “cuộc chơi”. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với hai “chứng chỉ” là Hiệp định thương mại tự do với EU và Hiệp định TPP. Có thể nói, hai hiệp định này cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác đã thể hiện điều được các chuyên gia mô tả là sự dũng cảm của Chính phủ và các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam dường như là nước duy nhất trong khối ASEAN “dám” chơi đầy đủ các hạng mục với các nền kinh tế lớn của thế giới.
Ở một góc độ khác, khi nhận xét về chất lượng hội nhập của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - cho rằng: Đã có sự thay đổi trong tư duy hội nhập với việc chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện. Điều này theo ông Phong, được củng cố bởi việc bước đầu Việt Nam đã tận dụng được một số cơ hội từ hội nhập và phát huy được lợi thế, giảm thiểu được các tác động tiêu cực hoặc bất lợi. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận, quá trình hội nhập không thể duy ý chí.
Liên quan đến câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét: Qua thời gian dài hội nhập, Việt Nam đã có những bước phát triển vững mạnh. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu đã cải thiện được năng lực cạnh tranh và chinh phục các thị trường đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa.
Điển hình, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng trong những năm qua là minh chứng thiết thực cho thấy khả năng và nội lực của doanh nghiệp Việt đã có bước tiến đáng kể nhờ tham gia vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý: Giai đoạn từ nay đến năm 2018, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và 10 FTA mà Việt Nam tham gia sẽ có hiệu lực. Điều này buộc đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam phải thay đổi tư duy để trụ vững, phát triển bền vững, và lớn mạnh trong hội nhập.
… đến thông tin hội nhập
Vấn đề thông tin về hội nhập gồm thông tin về điều khoản ưu đãi, các cam kết cụ thể của Việt Nam đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm. Đến độ có không ít ý kiến vin vào đây để cho rằng, có câu chuyện không ít doanh nghiệp “sợ” hội nhập.
Một số chuyên gia nhớ lại: Khoảng 8 - 9 năm trước, khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, khi đó thông tin hội nhập không được dồi dào như bây giờ nhưng chất lượng thông tin khá cao. Hiện tại, thông tin được cập nhật liên tục cả chính thống lẫn bên lề nhưng có vẻ ít “tinh”. Doanh nghiệp phải bơi giữa một biển thông tin. “Rất khó kiếm được thông tin thực sự chất lượng, trong khi để có được cái thực sự hữu ích cho doanh nghiệp thì kinh phí lại không cho phép” - đại diện một doanh nghiệp cơ khí chia sẻ.
Đánh giá về thực trạng này, một số chuyên gia ví von: Doanh nghiệp giống như người lần đầu tiên được ăn tiệc buffet, không biết lựa chọn món ăn nào. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức các hội thảo thời gian qua còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Có người lo xa đến mức “rung” doanh nghiệp, nếu không cẩn thận là “chết”, khiến doanh nghiệp càng hoang mang thêm.
Theo ông Trịnh Minh Anh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - quý IV/2015, Ủy ban sẽ trình Chính phủ đề án tuyên truyền chi tiết về việc hội nhập, FTA nào có lợi ích với doanh nghiệp nào, thách thức ra sao, cũng như hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu chuẩn về hội nhập để các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin chính xác nhất. Bộ Công Thương sẽ lập ra một bộ phận chuyên giải thích về các cam kết hội nhập cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn.
Hội nhập theo hướng nào?
Dệt may là một trong những ngành hàng theo nhiều chuyên gia được coi là hưởng lợi nhiều nhất khi hội nhập nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Điều này có thể hiểu được qua đánh giá của ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Bên lề hội thảo “Dệt may Việt Nam thách thức và cơ hội từ các FTA” tổ chức ngày 30/9/2015 tại Hà Nội, ông Giang cho biết: Dệt may Việt Nam tuy có bước tăng trưởng ngoạn mục về kim ngạch xuất khẩu và có khả năng về trước đến 3 năm mục tiêu xuất khẩu của năm 2020 nhưng sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu vẫn mang nặng dấu ấn gia công. “Phải tiến tới xuất khẩu các sản phẩm mang dấu ấn của công nghiệp thiết kế thời trang Made in Việt Nam. Có như vậy thì mới tận dụng được lợi thế” - ông Giang nói. Trên thực tế, trong chuỗi các khâu sản xuất của ngành dệt may thì khâu gia công giá trị chỉ bằng 1/3 khâu thiết kế tạo mẫu.
Câu chuyện của ngành dệt may có thể xem như khá tiêu biểu cho bức tranh hội nhập của không ít ngành hàng của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đánh giá: Mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chưa theo kịp quá trình này.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu xuất khẩu hiện nay, lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70%. Hội nhập có tính hai mặt nên việc quan trọng nhất chính là kết nối doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất mang lại hiệu quả cao cho tất cả các bên tham gia. Việc cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau như hiện nay, doanh nghiệp trong nước sẽ không thể nắm được lợi thế riêng.
Doanh nghiệp Việt Nam, dù lớn hay, nhỏ đều đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường thương mại tự do, cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế. Do đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần có những bước chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào thị trường quốc tế và đạt được thành công như kỳ vọng. |
TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp, doanh nhân: Luôn giữ vai trò tiên phong | |
Bác Hồ đặt niềm tin, doanh nhân mở lòng xây dựng đất nước |