Trong hành trình đấu tranh, gìn giữ và xây dựng đất nước, các thế hệ doanh nhân Việt Nam dù ở bất kỳ thời kỳ nào, họ cũng luôn gìn giữ và lan toả tinh thần yêu nước, truyền thống tự lực, tự cường, vì quốc gia dân tộc. Những doanh nhân từ quá khứ đến hiện tại luôn là tấm gương sáng để chúng ta học hỏi và noi theo.
Theo dòng lịch sử, ngay từ thời pháp thuộc đến khi nước nhà giành được độc lập vào năm 1945, đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân luôn đồng hành, đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước.
Điển hình của giai đoạn trước năm 1945 phải kể đến cụ Tiểu La - Nguyễn Thành (1863 - 1911), một chí sĩ giàu lòng yêu nước, đã khởi xướng Duy Tân Hội ở Quảng Nam. Không chỉ tham gia đánh giặc, cụ Tiểu La còn góp sức canh tân khi làm doanh thương để cung cấp kinh tài cho hoạt động vì đại nghĩa.
Cụ Tiểu La đã cùng các đồng chí vận động tổ chức hội học, hội nông, hội công, hội thương... để chu cấp tài chính cho Phong trào Đông du. Riêng hội thương đã có tới 72 chi nhánh khắp các tỉnh thành, và ông cũng thành lập Quảng Nam hợp xã ở Đà Nẵng, tự góp cả cổ phần kinh doanh để lấy tiền gởi cho cụ Phan Bội Châu lo liệu việc lớn.
Hay doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), được mệnh danh là “vua tàu thủy”, nằm trong tốp 4 người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20. Điểm đặc biệt ở doanh nhân này là lòng yêu nước tinh thần tự tôn vì quốc gia, dân tộc.
Không chỉ khẳng định năng lực và ý chí của người Việt bằng việc mua lại các con tàu của đối thủ nước ngoài, rồi đặt những cái tên đầy ý nghĩa như Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… doanh nhân Bạch Thái Bưởi còn ra mặt đấu tranh với nhà cầm quyền thực dân để bênh vực quyền lợi cho dân chúng Việt Nam – bằng lương tri và trách nhiệm.
Doanh nhân yêu nước Bạch Thái Bưởi |
Và còn nhiều cái tên doanh nhân yêu nước khác đã vươn lên bằng sự thông minh, ý chí độc lập như gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện-doanh nhân có tài buôn bán lụa, sở hữu nhà máy dệt và đồn điền cà phê; ông chủ hãng sơn Nguyễn Sơn Hà; ông Nguyễn Hữu Nhâm-chủ hiệu vải nổi tiếng Hà thành; bà Vương Thị Lai nổi tiếng giàu có nhờ buôn bán tơ lụa…
Khi cách mạng tháng 8 thành công, sau khi tuyên bố với thế giới về sự hiện diện của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi Giới Công Thương Việt Nam. Trong đó, Người viết: "Cùng các ngài trong giới công thương, được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng.
Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân."
Giới Công Thương Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc bộ phủ (1945) |
Hưởng ứng lời kêu gọi này, đã có rất nhiều doanh nhân Công Thương đã hỗ trợ giúp đỡ Chính phủ và Nhân dân. Điển hình như tại đất Hà thành, doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tham gia cách mạng.
Gia đình ông đã bỏ ra 90% số tiền buôn vải để ủng hộ cách mạng với suy nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Tính chung tất cả các lần đóng góp, riêng gia đình ông đã ủng hộ tài chính cách mạng khoảng 5.147 lạng vàng.
Trên thực tế, trong giai đoạn cách mạng, gia đình doanh nhân này đã nhiều lần giúp những tiểu thương buôn bán, hỗ trợ kinh tế, việc làm cho những người nghèo. Đặc biệt ông Bô, bà Hồ còn giành toàn bộ tầng 2 của căn nhà 48 Hàng Ngang làm nơi làm việc cho Bác Hồ cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt... khoảng 15 người.
Vợ chồng gia doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ |
Chia sẻ về những đóng góp của doanh nhân Công Thương trong thời kỳ trước và sau cách mạng, Đại biểu Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trước cách mạng tháng 8 thành công, người dân nói chung, doanh nhân nói riêng luôn bị chèn ép bởi tư sản mại bản nước ngoài, nhưng các doanh nhân vẫn giữ vững ý chí tự tôn, tự hào dân tộc, vì màu cờ sắc áo. Khi cách mạng thành công, họ cũng là những người tiên phong đi đầu đóng góp, hiến dân tài sản cho cách mạng – tất cả những điều đó là minh chức cho thước đo lòng yêu nước.
Có thể nói, sự đóng góp vật chất to lớn và ý nghĩa của những nhà tư sản yêu nước đã góp phần giúp cho chính quyền non trẻ vượt qua những giờ phút nguy nan, ngành Tài chính Việt Nam vượt qua những thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, thúc đẩy sự nghiệp tài chính cách mạng không ngừng trưởng thành, phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài 2: Doanh nhân và hành trình vì một Việt Nam hùng cường