Tín hiệu khả quan về nhu cầu thị trường cũng đến với DN sản xuất CNHT, khi dịch Covid-19 trên toàn cầu tạo cơ hội để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, một số nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam.
Đơn cử, hãng Apple có đến 11 nhà máy của các DN Đài Loan trong chuỗi cung ứng đã chuyển sang Việt Nam, hoặc mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam như: Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron… Hay Samsung quyết định phát triển mạnh hơn tại Việt Nam bằng việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á, trị giá 220 triệu USD, ở Hà Nội; đồng thời có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đầu năm nay, Đồng Nai đã cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án 100 triệu USD của nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc). Một doanh nghiệp khác của Mỹ là Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing (Tập đoàn TTI) đang tăng cường tìm kiếm hơn 300 nhà cung cấp CNHT trong nước để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện...
Cần hỗ trợ DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng |
Ông Đỗ Phước Tống - Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh - chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu của tập đoàn lớn về nguồn cung ứng CNHT, DN trong nước phải đáp ứng được công nghệ sản xuất. Hiện, Công ty Cơ khí Duy Khanh đang đầu tư nhà máy mới ở khu công nghệ cao với hơn 180 tỷ đồng để sản xuất linh kiện, thiết bị mới cung cấp cho các DN FDI.
Cần tự chủ, năng động hơn
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, tín hiệu khả quan nhu cầu thị trường về CNHT cũng là cơ hội cho DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, DN cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Về lâu dài, nhà nước cần nghiên cứu xây dựng Luật CNHT, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển CNHT, đón dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Nêu những giải pháp cụ thể, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành CNHT để DN tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng.
Đại diện Cục Công nghiệp cũng nhắc tới yếu tố tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa DN Việt Nam với DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Trong đó, xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.