Cần thêm cơ chế tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí |
Dù ngành Cơ khí Hà Nội có bước tăng trưởng khá nhanh thời gian qua, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, DN cơ khí trên địa bàn vẫn còn rất khó khăn. Nguyên nhân do hầu hết DN thiếu vốn, công nghệ; thiết bị chế tạo chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ… đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao. Hoạt động đầu tư của ngành Cơ khí chế tạo phân tán và không đồng bộ. Đến nay, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm “đòn bẩy” cho ngành.
Tại Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ngành cơ khí vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse – cho biết: Những rào cản về thủ tục hành chính đã làm chậm bước phát triển của DN trong ngành. Ông Nguyễn Xuân Phú dẫn chứng: Tập đoàn mua đất xây dựng nhà máy ở huyện Hoài Đức từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục, giấy tờ?
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN, ông Nguyễn Xuân Phú đề nghị nhà nước cần tập trung, tạo điều kiện cho DN đã khẳng định được thương hiệu, từ đó nâng tầm lên thành thương hiệu quốc gia, vươn ra thế giới; tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải như hiện nay.
Một số DN khác cho rằng, rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành Cơ khí là bất cập trong chính sách thuế. Cụ thể: Thuế đối với sản phẩm cơ khí nhập khẩu là 0%, trong khi linh kiện nhập khẩu lại phải chịu thuế 5%. Điều này bất hợp lý, không khuyến khích DN sản xuất trong nước, mà chỉ nhập khẩu sản phẩm về bán.
Trong tiếp cận nguồn vốn, đặc thù của ngành Cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi lợi nhuận thấp hơn nhiều ngành khác, thời gian thu hồi vốn chậm.
Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân- Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội)- cho rằng, nhà nước cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cho DN cơ khí, nhất là đối với DN sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho DN cơ khí được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, kể cả nguồn vốn vay từ tổ chức quốc tế; xem xét giảm lãi suất vay xuống dưới 3%/năm, thời hạn vay từ 10 -15 năm cho ngành Cơ khí chế tạo. Bên cạnh đó, nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ vốn cho các dịch vụ kỹ thuật (thuê chuyên gia, mua phần mềm thiết kế, chuyển giao công nghệ...) đối với DN có dự án đầu tư để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm thuộc nhóm công nghệ cao.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đề xuất: Phải tạo cơ chế bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước mà không vi phạm cam kết quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu hàng rào kỹ thuật nhằm loại bỏ sản phẩm cơ khí, thiết bị máy móc giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Ðối với dự án đầu tư, mua sắm sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ bắt buộc trong hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ sử dụng vật tư, thiết bị trong nước mà bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Đối với DN cơ khí, phải đổi mới, năng động; tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như tránh đầu tư trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau, gây thiệt hại cho DN và nền kinh tế.
DN cơ khí nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn Hà Nội (dưới 200 lao động) hiện chiếm khoảng 95%, giải quyết 50% số lao động của ngành. |