Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 đến 55,77 tỷ USD năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,88 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 10 lần (1,3 tỷ USD lên 13,89 tỷ USD). Riêng 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 37,29 tỷ USD, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt 27,66 tỷ USD; nhập khẩu đạt 9,63%.
Về đầu tư, tính đến tháng 8 năm 2019, EU hiện có 2.311 dự án từ 26/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 24,89 tỷ USD, chiếm 8% số dự án của cả nước và chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.
Tại buổi làm việc với Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN vào chiều ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên trong EU khá tích cực như hiện nay, đây chính là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp đôi bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh doanh không chỉ giữa Việt Nam và EU mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa ASEAN và EU.
“Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và sắp được phê chuẩn sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Thực tế, trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp vào các công việc chung của ASEAN với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Với việc chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực công tác chuẩn bị, đặc biệt là tham khảo ý kiến giới chuyên gia, nghiên cứu, giới hoạch định chính sách về các sáng kiến thúc đẩy bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, một số ưu tiên trong hợp tác kinh tế ASEAN đó là gia tăng trao đổi nội khối, thông qua các biện pháp như: hoàn thành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết kinh tế-thương mại nội khối; đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin; giảm các rào cản phi thuế quan; mở rộng áp dụng Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), cơ chế chứng nhận xuất xứ.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyên ngành trên cơ sở tận dụng các thành tựu của CMCN 4.0, trong đó có phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, phát triển năng lượng mới; đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp ASEAN, nhất là MSMEs vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hỗ trợ khởi nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc |
Trước thông tin về chính sách ưu tiên hợp tác của ASEAN, ông Donald Kanak – Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN – cũng cho rằng, theo báo cáo khảo sát tâm lý kinh doanh EU – ASEAN 2019, các doanh nghiệp EU có cái nhìn rất tích cực về ASEAN và đã đánh giá ASEAN là khu vực có cơ hội kinh tế tốt nhất, xếp hạng hơn 2 trên 1 so với Trung Quốc. Gần 9 trên 10 doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn những nguy cơ bất định, xu hướng sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại đang bị lạm dụng, các doanh nghiệp EU vẫn thể hiện sự lo ngại về dòng thuế quan có xu hướng giảm đi, nhưng phi thuế quan lại tăng lên.
“Năm 2020, mong Việt Nam chủ động đưa ra sáng kiến, đóng góp cụ thể để một mặt thuế quan giảm đi và phi thuế quan cũng giảm đi tương ứng” – ông Donal Kanak bày tỏ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp EU cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển chính phủ điện tử, chiến lược công nghiệp hóa trong cuộc cách mạng 4.0. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho rằng, Bộ Công Thương hiện chưa có nhiều hợp tác với doanh nghiệp EU trong lĩnh vực Chính phủ điện tử. Vì vậy, trong thời gian tới, EU-ASEAN có thể phối hợp với Bộ Công Thương về việc cử chuyên gia, các công ty trong lĩnh vực Chính phủ điện tử đến làm việc để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi giải pháp, ứng dụng chính phủ điện tử tại EU mà có thể ứng dụng tại Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng.
Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN Donal Kanak (thứ 2 từ phải sang) phát biểu |
Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Brian Hull - Giám đốc điều hành Tập đoàn ABB tại Việt Nam – cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư vào truyền tải điện và phân phối. Bởi theo ông, Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng về dự án điện mặt trời. Trong 1 năm, Việt Nam đã có 4.500 MW điện mặt trời, tuy nhiên có thách thức đó là quá tải ở mạng lưới truyền tải và phân phối.
“Hiện Bộ Công Thương đang làm việc với các cơ quan Quốc hội, bộ, ban, ngành khác, hy vọng năm 2020 sẽ có khuôn khổ pháp lý mới cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực truyền tải” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh và khẳng định, Chính phủ Việt Nam đảm bảo môi trường chính trị ổn định, không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh chính sách hội nhập kinh tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp EU cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Cũng tại buổi làm việc, các doanh nghiệp EU về lĩnh vực dược phẩm, thuốc lá, tài chính, công nghệ… đều dành nhiều sự quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và bày tỏ mong muốn sớm được hợp tác kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.