Trợ lực từ chính sách
Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và những khó khăn hiện nay mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, tại “Diễn đàn kinh tế trực tuyến: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19”, ngày 5/8, ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, hơn một năm qua, dịch Covid-19 đã tác động vào mọi mặt đời sống của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Theo ông Nam, tác động của dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng DN phải đối mặt với rất nhiều áp lực, nhất là hiện nay lại phải chống trọi với dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với những diễn biến khó lường, phức tạp. Khó khăn hiện hữu mà các DN đang gặp phải là không có doanh thu bán hàng, đứt gãy các nguồn cung ứng, thiếu nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội, đơn hàng bị huỷ, quy mô tích luỹ vốn không còn… Chính những khó khăn này cho thấy, nhiều DN đang đuối sức. Việc hàng loạt DN thời gian qua rút lui ra khỏi thị trường là không tránh khỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 như một “cú đấm” bồi thêm khiến DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhờ các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế như “liều thuốc” trợ lực giúp DN trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế như “liều thuốc” trợ lực giúp DN trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh |
PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) - cho hay, các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho DN đã góp phần tạo điều kiện về tài chính để DN vượt khó, sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, cộng đồng DN sẽ bắt tay ngay vào sản xuất, thậm chí vừa sản xuất, vừa chống dịch như các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế đất nước, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020. Thống kê cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, DN. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắc xin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Tổng cục Thuế cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong diễn biến dịch phức tạp, các Cục thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền trên trang web của Cục thuế, các phương tiện thông tin đại chúng, các tài khoản mạng xã hội... để chuyển tải nội dung chính sách thuế, hỗ trợ về thuế đến người nộp thuế; tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách nhanh, thuận tiện nhất.
Chủ động thay đổi phương thức, tư duy kinh doanh
Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN bị tác động bởi dịch bệnh có thể nói là rất kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ góp phần giúp DN vượt qua khó khăn chứ không thể đóng vai trò quyết định. Vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của DN và khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để các chính sách đạt hiệu quả thực thi, bản thân các DN cần chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ, chủ động tìm hiểu, tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, trong các chính sách hỗ trợ cần các giải pháp thiết thực hơn. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch rất cần sự tham gia của chính quyền địa phương hỗ trợ DN, nhằm tạo môi trường đảm bảo an toàn giúp DN hoạt động sản xuất. Có như vậy mới đảm bảo nguồn hàng đưa ra thị tường, duy trì quan hệ bạn hàng, đồng thời giúp DN chớp thời cơ phục hồi kinh tế.
"Bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các DN cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để chen chân được vào những chỗ đứt gãy của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của DN để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới" - ông Cường nhấn mạnh.
PGS.TS. Lê Xuân Trường chia sẻ, nhiều DN Việt Nam đã tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, tức là các DN tìm kiếm đối tác để cùng chia sẻ khó khăn cùng tồn tại. Tuy nhiên, DN cần phải tiếp tục thay đổi về tư duy kinh doanh, phương thức quản lý DN để phù hợp với điều kiện mới để đảm bảo sự tồn tại trước mắt và sự phát triển trong tương lai.