Chỉ tính riêng trong 2 năm 2018 và 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bao bì giấy Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đang chiếm hơn 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), mới đây, trong phiên giao dịch ngày 17/12/2020, TCG Solutions Pte.Ltd (công ty con của Tập đoàn Siam Cement (SCG) đã nhận chuyển nhượng 12 triệu cổ phiếu SVI của Công ty CP Bao bì Biên Hòa. Số cổ phần mà TCG Solutions đã mua chiếm 94,11% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Bao bì Biên Hòa, qua đó chính thức thâu tóm công ty này.
Đa số doanh nghiệp ngành bao bì trong nước có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu |
Như vậy, sau thương vụ thâu tóm Bao bì Biên Hòa, số lượng công ty thành viên trong mảng bao bì của SCG Group tại Việt Nam nâng lên con số 7. Trước đó, tập đoàn này từng liên doanh với Rengo (Nhật Bản) thành lập Công ty Giấy Kraft Vina - nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam. Danh sách các công ty thành viên còn lại bao gồm: Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
Hiện tại, trong nước có trên 300 DN giấy và khoảng 2.000 DN nhựa tham gia sản xuất bao bì. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là DN quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, mẫu mã, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các sản phẩm bao bì giấy bao bì cao cấp tráng phủ, các loại giấy đặc biệt vẫn chưa sản xuất được, và phải nhập khẩu số lượng lớn, trên 1,3 triệu tấn/năm. Một trong những yếu tố nữa khiến DN trong nước khó cạnh tranh là do nguyên liệu và phụ gia dùng trong sản xuấtcác sản phẩm nhựa ở Việt Nam hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm từ 80-85% năm với các sản phẩm nhập khẩu chính là PE, PP và PVC, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15-20%/năm. Mặc dù, Việt Nam là quốc gia hàng đầu về XK dăm gỗ để sản xuất bột giấy, nhưng ngành công nghiệp sản xuất giấy lại phụ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu và phụ gia nên ngành bao bì đã gặp khó khăn khi giá nguyên liệu tăng, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, thậm chí phải chấp nhận lỗ vốn vì không tăng được giá bán sản phẩm.
Đưa ra khuyến nghị đối với các DN Việt, các chuyên gia cho rằng, các DN bao bì phải xây dựng một chiến lược phục hồi trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần đánh giá tiềm năng nhu cầu thị trường trong tương lai, tìm hiểu tác động của Covid-19 đến sự lựa chọn bao bì của người tiêu dùng như: Yêu cầu vệ sinh, an toàn, thương mại điện tử, những lo ngại về ô nhiễm môi trường,… bởi đây là một trong những yếu tố chủ chốt giúp DN vượt qua cuộc khủng hoảng, định vị thương hiệu trên thị trường. Đẩy mạnh hoạt động marketing, mở rộng thị trường cũng được các chuyên gia khuyến nghị.
Cùng với sự nỗ lực từ phía các DN, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích thu hút vốn, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách phát triển riêng cho ngành bao bì, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, phát triển công nghệ phụ trợ. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép nhập khẩu,… góp phần giảm chi phí, giải quyết hàng tồn lưu tại cảng để DN sớm có nguyên liệu sản xuất.