Doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn hợp tác về công nghiệp quốc phòng với Việt Nam Các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm nhiều lĩnh vực đầu tư tại Đà Nẵng |
Doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao thị trường Việt Nam và đang thực hiện không ít chương trình tìm hiểu thị trường Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… nói riêng.
Minh chứng là trong các ngày từ 22-25/5/2023, 17 công ty thành viên thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, New Delhi từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, thiết bị điện, sản xuất chế biến nông thủy sản, dịch vụ công nghệ, năng lượng tái tạo đã đến TP. Hồ Chí Minh thăm và làm việc, đồng thời kết nối kinh doanh với doanh nghiệp các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Các doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam |
Mục tiêu của phái đoàn lần này là tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, giáo dục, thủy sản, chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng đường sắt, y tế, năng lượng...
Thông tin tại buổi họp kết nối “Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ hợp tác kinh doanh” tổ chức ngày 23/5, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Ấn Độ hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, những lĩnh vực trọng điểm phải kể đến nông thủy sản, dược phẩm...
Ông Madan Mohan Sethi cũng chia sẻ mong muốn sẽ là cầu nối cho nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực không chỉ riêng thương mại mà còn là đầu tư, y tế, du lịch…
Chia sẻ về tiềm năng thu hút đầu tư, bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - cho biết: Hiện Long An đã tiếp nhận gần 1.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 10,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó có 7 dự án của nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đăng ký khoảng 215 triệu USD. Các dự án của doanh nghiệp Ấn Độ tại Long An chủ yếu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn gia súc, may mặc,...
Trong định hướng phát triển, Long An sẽ tận dụng vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh, có cảng quốc tế, có cửa khẩu quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển khá ở khu vực phía Nam và hình thành một trung tâm chế biến, phân phối nông sản công nghệ cao lớn nhất của vùng trong 10 năm tới. Do đó, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp và đô thị, dịch vụ đến năm 2030 của tỉnh Long An dự kiến cũng sẽ tăng từ 4 – 4,3 lần.
Đáng chú ý, thời gian tới, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện – thiết bị điện tử và phần mềm, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao…
Trong khi đó, với tỉnh Đồng Nai, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đồng Nai và thị trường Ấn Độ đang có chiều hướng xuất siêu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Ấn Độ như chất dẻo nguyên liệu; vải mành, vải kỹ thuật; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xơ, sợi dệt các loại…
Các doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế…. Đây cũng là những lĩnh vực tỉnh Đồng Nai quan tâm và thị trường của hai quốc gia cũng rộng mở.
Theo Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, buổi kết nối này được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp Ấn Độ được giao lưu, trao đổi, tìm hiểu và học hỏi về thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Theo đó, đã có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự trực tiếp sự kiện để kết nối và trao đổi với các doanh nghiệp từ Ấn Độ.