Sửa luật theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 25/11/2017, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất sẽ có hiệu lực. Nghị định này thay thế cho Nghị định 26 và Nghị định 108 về quản lý hóa chất.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị định 113, hôm nay (10/11/2017), tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã tổ chức “Hội thảo phổ biến Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn”.
Theo đánh giá của ông Lưu Hoàng Ngọc- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, việc ban hành Nghị định 113 là một bước tiến mới trong quản lý hóa chất khi Bộ Công Thương bãi bỏ 46 điều kiện sản xuất, lưu trữ, kinh doanh hóa chất, vừa giúp DN thông thoáng hơn trong kinh doanh nhưng cũng giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh ngành hàng này.
Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo |
Nghị định không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới mà còn bãi bỏ 4 thủ tục hành chính là xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; xác nhận khai báo hóa chất sản xuất; cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn hóa chất; đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm.
Hiện cả nước có 4.000 DN kinh doanh hóa chất, trong đó khu vực miền Nam chiếm khoảng 60%. Việc “cởi bỏ” hàng loạt thủ tục hành chính được cộng đồng DN đánh giá cao. |
Bãi bỏ nhiều rào cản
Trong đó, Nghị định 113 đã bãi bỏ thủ tục “Xác nhận Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất”. Danh mục hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất quy định tại Phụ lục VII của Nghị định 26/2011/NĐ-CP gồm 1.467 chất và nhóm chất. Hiện nay, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đều phải được cơ quan quản lý ngành cấp tỉnh xác nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36 Luật Hóa chất, chủ đầu tư hoạt động hóa chất không phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thì đều phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Hóa chất, Dự thảo Nghị định bỏ Danh mục hóa chất phải xây dựng Biện pháp và quy định tất cả hóa chất nguy hiểm không thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng Kế hoạch thì đều phải xây dựng Biện pháp.
Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định bỏ thủ tục xác nhận Biện pháp của cơ quan quản lý nhà nước. Chủ đầu tư tự xây dựng, ban hành Biện pháp và phải xuất trình được khi có yêu cầu. Cơ quan quản lý ngành có trách nhiệm thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bãi bỏ việc cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn hoá chất. Theo đó, để giảm bớt khó khăn cho DN, dự thảo bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận an toàn hóa chất.
Dự thảo chỉ quy định khung nội dung huấn luyện, yêu cầu đối với người huấn luyện, thời gian huấn luyện, nguyên tắc kiểm tra. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất chủ động tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất cho lãnh đạo, người quản lý các bộ phận và người lao động có liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất và kiểm tra kết quả huấn luyện và lưu giữ hồ sơ huấn luyện để xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu.
Mặt khác, các thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu; cấp Giấy phép xuất, nhập khẩu tiền chất công nghiệp, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện/giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất có điều kiện/hạn chế đã được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện một doanh nghiệp cho biết, trước đây, để thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hóa chất phải mất 3-5 ngày thì nay chỉ còn vài phút, và Cục Hóa chất trả kết quả cho DN trong vài giây. Điều này sẽ vừa giúp doanh nghiệp giảm thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí.