Tham dự Diễn đàn có Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; anh Phan Sỹ Linh - Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; anh Bùi Minh Tiến - UV BTV Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; anh Trần Đoàn Thịnh - Phó Tổng Giám đốc BSR. Diễn dàn đã thu hút khoảng 200 bạn là đoàn viên thanh niên làm việc tại các Doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Miền Trung.
MC Trần Thượng Bích Lan: Kính thưa quý đại biểu tham dự diễn đàn, các anh có thể chia sẻ cảm xúc ngay lúc này?
Anh Nguyễn Hữu Long: Mỗi năm, đúng tháng 3, tất cả những người đã từng khoác lên mình màu áo xanh của Đoàn đều cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được trưởng thành trong môi trường Đoàn.
Anh Trần Đoàn Thịnh: Tôi thôi hoạt động Đoàn cũng đã 15 năm rồi, cảm xúc bây giờ của tôi rất bồi hồi, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa.
Anh Bùi Minh Tiến: Tôi cảm giác tim đập nhanh hơn, máu sôi hơn, nhất là nhìn mấy bạn hát (trước buổi giao lưu diễn ra có tiết mục văn nghệ rất vui của Đoàn Thanh niên DQS).
Anh Phan Sỹ Linh: Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào về tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của chúng ta.
MC Trần Thượng Bích Lan: Kính thưa anh Trần Đoàn Thịnh, được biết anh là Bí thư đoàn đầu tiên của BSR, và nay anh đang là Phó Tổng Giám đốc, anh cho biết việc tham gia thủ lĩnh công tác đoàn có góp phần vào sự phát triển sự nghiệp của anh trong suốt thời gian qua không? Nếu có lời gì đó để nhắn nhủ đội ngũ cán bộ đoàn BSR hiện nay, anh sẽ nói gì ạ?
Anh Trần Đoàn Thịnh: Có lẽ, nếu không có thời gian hoạt động Đoàn, cá nhân tôi không thể trưởng thành như ngày hôm nay. Những năm tháng hoạt động Đoàn mang đến không chỉ cho riêng tôi khoảng thời gian khó phai mờ nhất trong cuộc đời công tác của mình. Đặc biệt, hoạt động Đoàn trong tổ chức doanh nghiệp luôn có những đặc thù nhất định. Hoạt động Đoàn mang đến cho tôi những kỹ năng tốt phục vụ cho công việc sau này, như kỹ năng nói chuyện trước đám đông. Khi hoạt động Đoàn, khả năng chúng ta tập hợp được anh em, chúng ta thuyết phục được anh em trong hoạt động Đoàn thì sau này trong công việc chúng ta sẽ dễ dàng thuyết phục mọi người. Hoạt động Đoàn không bao giờ thiệt cả. Lúc nào cũng đem lại cho mình sức sống mới, kỹ năng mới và phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn sau này của mình. Có thể đa phần chúng ta không phải là Bí thư Đoàn nhưng cứ hoạt động Đoàn, chúng ta sẽ thấy giá trị của hoạt động Đoàn. Và đồng thời cũng rất tiếc cho anh chị nào mà chưa xem trọng hoạt động này.
MC Trần Thượng Bích Lan: Anh đã tham gia công tác Đoàn ở cụm miền Trung nói chung và BSR nói riêng trong thời gian dài, anh có thể chia sẻ một trong những phong trào mà anh cảm thấy ấn tượng nhất. Và theo anh, phong trào Đoàn ở cụm miền Trung và BSR cần đưa thêm phong trào gì để phát triển thêm, thưa anh Phan Sỹ Linh?
Anh Phan Sỹ Linh: Khi nói về thanh niên Dầu khí, thanh niên cả nước sẽ nhìn nhận thanh niên Dầu khí có trình độ, chuyên môn và giàu nhiệt huyết. Trên những công trình dầu khí biển, nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm, điện… thanh niên Dầu khí không chỉ làm chủ khoa học kỹ thuật mà còn ham học hỏi. Nhiệt huyết ở đây có thể nói nó bắt nguồn từ văn hóa dầu khí, từ văn hóa của những người đi tìm lửa được hình thành hun đúc gần 60 năm nay và đến nay vẫn chảy trong huyết quản người Dầu khí là tìm dầu, làm giàu cho Tổ quốc. Cụm miền Trung của chúng ta có sự đoàn kết cao, sáng tạo trong hoạt động. Ví dụ như PTSC Quảng Ngãi có chương trình “Bao lì xì thân ái” hàng Tết, DQS có những công trình thanh niên như Sửa chữa giàn khoan Tam Đảo 01, BSR thì ngay chính sự kiện hôm nay đã là sự đổi mới để người đoàn viên đến lãnh đạo Công ty gần gũ nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn. Đặc biệt, năm 2020, BSR bảo dưỡng thành công lần thứ 4 NMLD Dung Quất và mới đây nhất BSR đạt 30 triệu giờ công an toàn… đều có công rất lớn của đội ngũ đoàn viên thanh niên.
Trong tháng 1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức chương trình “Mùa xuân từ những giếng dầu” mang ý nghĩa lịch sử rất lớn lao. Khi tôi vào Dung Quất để tiếp nối chặng đường đi từ Cà Mau, tôi cảm nhận được sự hứng khởi của thanh niên cụm miền Trung từ lúc chào cờ với ngọn lửa Petrovietnam, đến lúc rước cờ… thể hiện hào khí của người dầu khí. Đấy là ấn tượng mới nhất của tôi về thanh niên cụm miền Trung.
Trong thời gian tới, hoạt động Đoàn phải bám sát hoạt động chuyên môn, các sự kiện của đơn vị và phong trào thanh niên sát hơn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Tranh thủ mọi nguồn lực, tiếp thu xin ý kiến kịp thời của cấp uỷ lãnh đạo đơn vị, phối hợp tốt với các tổ chức Đoàn thể để cùng đẩy mạnh hoạt động, lan toả văn hoá doanh nghiệp thấm sâu hơn tới cán bộ ĐVTN và người lao động. Bên cạnh đó, Đoàn luôn đổi mới sáng tạo, đột phá, không ngại đề xuất, không sợ thất bại, dám dân thân, càng khó khăn, càng chịu áp lực cao càng có môi trường rèn luyện tốt. Làm việc với sự say mê, chứ không phải làm cho đủ việc, cho xong việc…chắc chắn các bạn sẽ thành công.
MC Trần Thượng Bích Lan: Kính thưa anh Bùi Minh Tiến, hành trình hoạt động Đoàn của anh trước kia có điểm gì nổi bật. Anh có thể cho đoàn viên thanh niên biết 2 điểm mạnh và 2 điểm cần phát huy của thanh niên dầu khí ngày nay?
Anh Bùi Minh Tiến: Tôi hoạt động Đoàn từ hồi còn là sinh viên. Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước có những hoàn cảnh khác nhau, nên chắc chắn có những đặc điểm khác nhau. Chúng ta đều có đặc điểm chung là những đoàn viên thanh niên của Việt Nam, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, thanh niên phải biết “khao khát hơn, dại khờ hơn”. Bởi chỉ có khao khát và dại khờ, chúng ta mới có những trải nghiệm tuyệt vời. Nếu như chúng ta khao khát không đủ, lại tính toán nữa, thì không bao giờ có trải nghiệm tuyệt vời cả. Vì vậy, thanh niên đừng làm cái gì đó hời hợt, đừng có chơi hời hợt, đừng có yêu hời hợt và đừng có… hát hời hợt.
MC Trần Thượng Bích Lan: Kính thưa anh Nguyễn Hữu Long, anh cho biết khác biệt tư tưởng lớn nhất giữa các đoàn viên hiện nay so với đoàn viên trước đây? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các cơ sở đoàn ở các thành phố lớn mà đoàn viên dầu khí có thể tham khảo, học hỏi?
Anh Nguyễn Hữu Long: Mỗi thế hệ đều có những luồng tư tưởng khác nhau bởi thời gian, thời cuộc và vận mệnh của đất nước. Nhưng tựu chung lại, tuổi trẻ là khát vọng. Thời chiến thì khát vọng ra chiến trường để cống hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình đất nước. Thời bình thì khát vọng lập nghiệp, lập thân để làm giàu cho bản thân và đất nước. Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ coi công tác Đoàn là việc phụ, làm để cho có làm. Nhưng có lẽ việc đó chỉ xuất hiện ở đâu đó, còn ở Đoàn Dầu khí tôi thấy có một khát vọng mãnh liệt, khát vọng làm chủ khoa học công nghệ, sáng kiến, cải tiến,... Thanh niên phải có đủ niềm tin và vững tin để khước từ cám dỗ thời cuộc, tham gia hơn vào công tác Đoàn.
Có nhiều người từng nói với tôi: “Giá như tôi khôn như bây giờ và khỏe như ngày xưa”. Không có gì cản được khát khao của tuổi trẻ, tôi tin vào các bạn.
Phần giao lưu với các đoàn viên thành niên
Đoàn viên Trần Nhật Linh (Ban VHSX BSR): Kính thưa các anh, nếu các anh được trở lại sinh hoạt đoàn thì các anh sẽ muốn làm gì nhất?
Anh Bùi Minh Tiến: Chúng ta đừng bao giờ phải nói câu “giá như mình trẻ lại được mấy chục tuổi”. Hành động, làm ngay những việc bây giờ để không phải 20 năm sau nói “giá như”. Thanh niên nên đọc càng nhiều càng tốt: đọc sách, đọc tài liệu, đọc báo… Riêng thanh niên BSR phải thấm nhuần tinh thần “7 thói quen hiệu quả”.
Anh Trần Đoàn Thịnh: Tôi sẽ đề xuất nhiều việc hơn nữa, máu lửa hơn nữa và mong muốn lãnh đạo đồng ý hết những đề xuất đó. Ngày xưa tôi đề xuất chưa nhiều do ngại lãnh đạo. Cách đây 15 năm, toàn bộ hệ thống chính trị tập trung cho công việc gấp rút xây dựng NMLD Dung Quất nên công tác đoàn hoạt động hơi ít. Tôi đề nghị các đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn BSR tích cực đề xuất nhiều chương trình hành động hơn với Ban lãnh đạo Công ty.
Anh Nguyễn Hữu Long: Tôi không ước tôi trở lại thời thanh niên. Bởi quãng đời đẹp ấy chỉ có một lần thôi, nếu quay trở lại sợ nó không đẹp nữa. Đặc trưng của thanh niên là gì thì cần phát huy thế mạnh đó. Ví dụ, thế mạnh của thanh niên là làm công tác an sinh xã hội cần được chú trọng. Việc thứ hai, chúng ta nên tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Và nếu quay trở lại thì tôi vẫn xin phép được là cán bộ Đoàn.
Đoàn viên Hồ Thị Thanh Huyền (PTSC Quảng Ngãi): Nếu như một tổ chức có một lãnh đạo không ủng hộ tổ chức đoàn. Vậy tổ chức Đoàn ấy nên làm gì để phong trào Đoàn hoạt động tốt?
Anh Bùi Minh Tiến: Cho dù Tổng giám đốc hay Giám đốc đơn vị mình như thế nào thì mình vẫn hoạt động Đoàn như vậy, không phụ thuộc. Các bạn phải bồi dưỡng thêm kỹ năng thuyết phục, kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Hãy chứng minh lãnh đạo biết rằng: Các hoạt động của bọn em đang mang lại giá trị cho Công ty. Vì vậy, tất cả phụ thuộc vào thanh niên, chứ không phải ở người lãnh đạo. Người lãnh đạo chỉ cho cơ hội để thanh niên thực hiện công việc thuận lợi hơn, đạt kết quả nhanh hơn mà thôi. Nếu không thuyết phục được lãnh đạo đó, thuyết phục… ông to hơn ông ấy.
Anh Nguyễn Hữu Long: Chúng ta phải cho đi, chúng ta mới mong nhận lại được. Ví dụ nhé, trong các cuộc họp ở cơ quan, cán bộ đoàn tới sớm hơn. Chúng ta đến sớm để làm gì? Mình tìm việc để làm. Mình chỉnh lại cái bàn, chỉnh lại cái ghế, phủi bụi cái bục phát biểu. Cán bộ Đoàn phải là người về sau. Đừng có thấy hết giờ là đứng dạy ra về, cúi xuống nhặt cái chai mà đại biểu quên. Chính những việc nhỏ này mới thấy bóng dáng của đoàn viên, mới thấy được vai trò của cán bộ đoàn và từ đó lãnh đạo sẽ được để ý nhiều hơn.
Đại diện thanh niên DQS: Chúng em có khó khăn trong tập hơn thanh niên do hàng ngày cuốn vào công việc sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, độ tuổi của đoàn viên ngày càng già hóa, trong khi số lượng tuyển mới rất ít. Xin hỏi anh Nguyễn Hữu Long kinh nghiệp tập hợp thanh niên?
Anh Nguyễn Hữu Long: Mình đừng nhìn hoạt động đoàn phải đông đúc, phải náo nhiệt mới là hoạt động đoàn. Thay vì tốn thời gian tập trung nhau lại, tổ chức Đoàn đề xuất một mô hình khác. Ví dụ như trong tháng chắc chắn có vài sinh nhật của đoàn viên, chúng ta xin một khoản kinh phí, đi đến trực tiếp tận nơi sản xuất của đoàn viên thanh niên để trao món quà đó. Bên cạnh đó, các bạn nên tận dụng cơ hội các buổi hội họp khác của Công ty để hoạt động đoàn.
Đoàn là môi trường để thanh niên rèn luyện và là môi trường giúp đỡ thanh niên. Vì vậy chúng ta phải thực hiện tốt chức năng giúp đỡ thanh niên cả về tinh thần và vật chất. Họ thấy Đoàn có giá trị, thì họ mới gắn bó. Các bạn cũng đừng có cầu toàn quá, đừng nhìn bề nổi của một vài Đoàn bạn mà luôn cảm thấy Đoàn mình sao chưa làm được cái này, việc kia. Đoàn mình là của mình, đi từ việc nhỏ đến lớn. Nơi nào khó khăn quá thì nên thực hiện tốt chức năng giúp đỡ thanh niên.
Anh Bùi Minh Tiến: Nếu thực sự các bạn muốn tổ chức Đoàn của mình tốt lên, để Đoàn thực sự tạo giá trị ngay trong doanh nghiệp mình; giúp đỡ đoàn viên trưởng thành thì các bạn sẽ tìm ra được cách làm đi đến thành công. Những người có sở thích giống nhau có thể tạo ra giá trị cho tổ chức Đoàn.
Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Đoàn PV Building: Kính thưa các vị đại biểu, làm sao để cân đối nhiệm vụ Đoàn với kinh tế gia đình và chăm sóc con cái?
Anh Nguyễn Hữu Long: Những ngành nghề đặc thù như công tác Đoàn ít tạo ra cho chúng ta cuộc sống giàu có. Tiền bạc là yếu tố quan trọng trong đời sống mỗi chúng ta, nhưng chúng ta cần thế nào cho đủ? Tôi hỏi lại bạn, bạn có quá nghèo khó không, có chạy ăn từng bữa không? Như tôi, bạn bè đều có ô tô đi, tôi vẫn đi xe máy. Nhưng tôi luôn cảm thấy mình… giàu. Bởi đi đâu tôi cũng có bạn bè, cũng có anh em, nhưng tiền không bằng người khác. Tôi có ngày hôm nay cũng là nhờ Đoàn. Đoàn là nơi rèn luyện bản lĩnh cho chúng ta, là cơ hội rèn mình, chúng ta vượt qua các thách thức đã là thành công rồi.
Anh Bùi Minh Tiến: Thực ra các bạn ngồi ở đây hôm nay chính là sự lựa chọn của các bạn. Các bạn chọn là cán bộ Đoàn là sự lựa chọn của các bạn. Vì đã lựa chọn như thế rồi thì vấn đề là mình sẽ ứng xử với hoàn cảnh như thế nào để làm sao không gây ra các mâu thuẫn và dần dần sẽ tìm được sự thông cảm của gia đình.
Anh Phan Sỹ Linh: Đối với tôi đã có gần 20 năm gắn bó với Đoàn, tháng 3 này tôi hầu như không ăn cơm ở nhà. Xác định nhu cầu của mình là quan trọng. Mình muốn kinh tế của mình như thế nào thì chúng ta sẽ có những lựa chọn công việc phù hợp. Chúng ta nên chia sẻ công việc Đoàn với gia đình để được thấu hiếu. Các con tôi rất thích bố mặc áo xanh và chúng thường hỏi “Bố lại đi Đoàn à, bố lại đi công tác à?”. Vợ tôi năm nào cũng chúc mừng tôi đúng vào ngày 26/3.
MC Trần Thượng Bích Lan: Xin trân trọng cảm ơn các anh đã có những chia sẻ với đoàn thanh niên Dầu khí cụm miền Trung!
Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động Đoàn tại diễn đàn |
Anh Phan Sỹ Linh - Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam |
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam |
Anh Bùi Minh Tiến - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn |
Anh Trần Đoàn Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn |
Đoàn viên đặt câu hỏi cho các vị khách mời |