Ông Phạm Trương - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Nhơn - cho biết, sự công nhận đô thị loại IV đối với Hoài Nhơn là công nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn trong thời gian qua, tạo động lực để thị xã “bứt phá” mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Định và cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định cho thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới |
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn – ông Cao Thanh Thương, Phủ Hoài Nhơn có từ thời vua Lê Thánh Tôn (1470), trải qua thăng trầm, địa danh Hoài Nhơn đã có bề dày lịch sử trên 500 năm. Ngày nay, Hoài Nhơn thu hẹp lại thành một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, giáp ranh với huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, cách TP. Quy Nhơn 85km, sân bay Phù Cát hơn 75km. Địa hình đa dạng gồm cả đồng bằng, trung du, ven biển và thị trấn Bồng Sơn sầm uất; giao thông thuận tiện với 29km đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy song song. Hoài Nhơn có tiềm năng phát triển du lịch với bãi biển đẹp, độ dốc thấp, cửa biển Tam Quan cũng là “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ, cá mập đại dương. Ngoài ra, nơi đây cũng nổi tiếng với xứ dừa Tam Quan, các đặc sản từ dừa….
Một góc khu đô thị Hoài Nhơn |
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian tới trong quy hoạch thị xã Hoài Nhơn có tổng diện tích 420,84km2. Trong đó, khu vực nội thị bao gồm 2 thị trấn Bồng Sơn và Tam Quan; 9 xã: Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Xuân và Hoài Đức. Khu vực ngoại vi dự kiến 6 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Mỹ và Hoài Hải… Dân số của Hoài Nhơn hiện là hơn 212 nghìn người.
Định hướng đến năm 2035, đô thị Hoài Nhơn sẽ phát triển theo 4 khu vực. Gồm phát triển đô thị trung tâm Bồng Sơn (gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức), là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ thương mại… Đây cũng là trung tâm hành chính – chính trị của thị xã Hoài Nhơn. Khu vực 2, thị trấn Tam Quan và các xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch. Khu vực 3 và 4 gồm khu ở mới Hoài Thanh Tây, Hoài Hương định hướng phát triển thương mại kết hợp du lịch văn hóa.
Để phát triển đô thị Hoài Nhơn trong tương lai, huyện đã có đề án cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; xây dựng các khu dân cư mới… Trong đó, hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ kết nối liên huyện, liên vùng và cả nước; phát triển cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền; nâng cấp các ga Bồng Sơn, Tam Quan, xây dựng các trung tâm tiếp vận hàng hóa và hành khách giữa các phương thức vận tải...
Huyện Hoài Nhơn nhìn từ trên cao |
Trong khu vực đô thị, lập quy hoạch các khu dân cư Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương; xây dựng quỹ đất 2 bên sông Cạn. Đồng thời, hình thành khu đô thị mới, khu thương mại dịch vụ tại thị trấn Bồng Sơn, Tam Quan, dọc quốc lộ 1A, khu Đồng Đất Chai - Hoài Thanh Tây… Các khu đô thị Phú Mỹ Lộc (Tam Quan); ven sông Lại Giang (Hoài Xuân); khu dân cư và nhà ở xã hội - dịch vụ bến xe Bồng Sơn…
Xây dựng mới các công trình công cộng, trung tâm thương mại dịch vụ; tôn tạo di tích. Về công nghiệp, sẽ hình thành các cụm công nghiệp Hoài Châu; Ngọc Sơn (Hoài Thanh Tây); Đệ Đức (Hoài Tân); Hoài Hương; Thiết Đính Bắc. Phát triển các dự án khu du lịch bãi biển, sinh thái khu vực biển dọc thị xã.
Việc hình thành đô thị Hoài Nhơn mở ra “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện Hoài Nhơn đang ưu tiên các nguồn lực để chỉnh trang đô thị hiện hữu, đầu tư các khu đô thị mới và hạ tầng đô thị còn thiếu để đáp ứng “chuẩn” đô thị loại IV, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2035 như đã quy hoạch.