Theo ông Nguyễn Hùng Điệp- Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Luật Đo lường được Quốc hội thông qua năm 2011, giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã tập trung xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đồng thời triển khai đưa các quy định về đo lường vào các luật, nghị định khác và triển khai mạnh mẽ ở các bộ, ngành.
Thông qua các hoạt động này, đo lường đã góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức triển khai hoạt động về đo lường ở một số bộ ngành, địa phương. Nhà nước tập trung thực hiện chức năng quản lý về đo lường, còn các hoạt động đo lường khác được xã hội hóa mạnh mẽ. Tiêu biểu là hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã trở thành một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thu hút doanh nghiệp, người dân tích cực, chủ động tham gia đầu tư và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đo lường là công cụ đắc lực góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp...
Hàng năm, các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký, được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng triệu phương tiện đo, bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không...); hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên.
Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường, giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm do hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giúp bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân...
Thời gian qua, các phương tiện đo được kiểm định và các kết quả đo chính xác là căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ô tô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng...) tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp các doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả đo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.