Nông sản không thể dựa vào “giải cứu” và lòng trắc ẩn! Vi phạm mã số vùng trồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông sản Việt xuất khẩu |
Xây dựng, định vị thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường thế giới là vấn đề quan trọng trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đang có tiềm năng, lợi thế rất lớn để mở rộng quy mô, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Có thể thấy, từ lâu, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với các sản phẩm chủ lực: Gạo, cà phê, trái cây, gỗ, thủy sản…
Nổi bật là thời gian gần đây, mặt hàng gạo của Việt Nam đã chứng tỏ vị thế khi nhu cầu của thị trường tăng kỷ lục và giá luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, phải kể đến mặt hàng trái cây, khi chúng ta có nhiều loại quả xuất khẩu được khách hàng ở các nước rất ưa chuộng, như: Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối…
Tiềm năng, lợi thế đã rõ, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế, bởi thực tế đang có tới gần 80% sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài. Nói cách khác, phần lớn nông sản của chúng ta chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác… để nhận diện đó là hàng Việt, dù chất lượng không thua kém so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Điều đáng tiếc này dẫn đến những tổn thất lớn về giá trị xuất khẩu cũng như không hình thành được thương hiệu nông sản chủ lực quốc gia.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản đang rất lớn. Do đó, việc xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới cần tiếp tục được quan tâm một cách thực chất, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương. Việc này, nếu chúng ta làm chậm ngày nào, đồng nghĩa sẽ gây thiệt hại ngay ngày đó.
Vấn đề cần quan tâm trước tiên là phải tiếp tục hình thành, phát triển các vùng sản xuất lớn và quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bảo đảm an toàn, bền vững. Trên cơ sở này, cần xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế trong phát triển sản xuất của từng địa phương để có chính sách ưu tiên, hỗ trợ sản xuất và xây dựng thành thương hiệu mạnh phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản. Mặt khác, cần tăng cường định hướng doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đặc biệt, cần tăng cường trang bị kiến thức về giá trị thương hiệu; nâng cao nhận thức về yêu cầu và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, về Luật Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, doanh nhân và nông dân ở các vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu; từ đó giúp họ hiểu rõ vận hội, nắm bắt thời cơ, đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nông sản ngày càng cao, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản cần thông qua ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất một cách đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến vận chuyển, bảo quản, chế biến... Qua đó nhằm đáp ứng những yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như thị hiếu tiêu dùng hiện nay.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam không chỉ làm lợi cho người nuôi trồng là nông dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng cho doanh nghiệp nông nghiệp và nền kinh tế.