Theo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch định hướng nghiên cứu đề xuất, hình thành một số khu công nghệ cao tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và một số địa bàn có tiềm năng khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Chính phủ đồng thời khuyến khích phát triển các khu nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn có tiềm năng và có điều kiện phù hợp; đặc biệt tập trung đưa vào hoạt động khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An.
Những năm qua, Nghệ An đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, trong đó, liên tục nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước. Ảnh minh họa |
Tại phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, Quy hoạch vùng cũng xác định xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao trong vùng tại Nghệ An.
Để cụ thể hóa phương hướng trên, tại danh mục dự kiến các chương trình, dự án quan trọng của vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư khu lâm nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trước đó, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg về việc thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hợp, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) với diện tích 618 ha.
Đây là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước, gồm 3 phân khu chức năng chính tạo thành một chuỗi liên hoàn từ sản xuất giống cây lâm nghiệp; chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đến sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Việc Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cơ hội để Nghệ An khai thác hiệu quả tiềm năng rừng, đồng thời thu hút doanh nghiệp “rót vốn” phát triển ngành lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, phát triển công nghiệp gỗ và các sản phẩm gỗ, đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm khi các dự án đầu tư vào đây được hưởng các chính sách ưu đãi.
Được biết, Nghệ An hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với khoảng 1,008 triệu ha đất có rừng, bao gồm 173.900 ha đã thành rừng và 45.840 ha đã trồng chưa thành rừng; 788.990 ha rừng tự nhiên; độ che phủ đến năm 2021 đạt 58,41%, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng tốt và lớn nhất cả nước; chiếm non nửa diện tích rừng trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cộng lại (khoảng 2,4 triệu ha). Mỗi năm Nghệ An khai thác khoảng 1,8 triệu m3 gỗ.