Phát triển thương mại và đầu tư “xanh” để ứng phó với biến đổi khí hậu Quảng Bình khai trương mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái |
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là khu vực có thế mạnh đặc biệt về phát triển kinh tế rừng và phát triển kinh tế biển.
Phát triển Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhanh, bền vững, trong đó có nhiệm vụ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong khu vực và cả nước. Để Nam Trung bộ và Tây Nguyên thực sự phát triển nhanh, bền vững, cần có những chủ trương, định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực này trong giai đoạn tới.
Ảnh minh họa |
Vài nét về hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả nổi bật trong những năm qua. Công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng và tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với tiến đến mốc kỷ niệm 1 năm được quan tâm đúng mức, trong giai đoạn 2012-2020, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu) vẫn được bảo đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng đều qua các năm.
Công tác phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh; thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm hơn so với giai đoạn trước cả về người và tài sản. Việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước được chú trọng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp. Công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đạt nhiều kết quả tốt, việc xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đã mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Tuy nhiên, năng lực chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu còn yếu; chưa có các giải pháp căn cơ thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác bảo đảm an ninh lương thực. Công tác bảo đảm an ninh tài nguyên nước chưa được hoàn thiện về cơ chế, nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu quản lý; các công trình các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống đê sông, đê biển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nguy cơ mất an ninh nguồn nước còn hiện hữu; ứng phó với nước biển dâng chưa phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương; công tác bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới chưa được kiểm soát chặt chẽ, còn nhiều bất cập, các chương trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; công tác xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí nguồn lực và các quy định của pháp luật; chưa được triển khai rộng rãi trong thực tế, việc nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu chưa hiệu quả, chưa đồng đều.
Những hạn chế yếu kém trên đây có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm nguyên nhân sau: Ý thức trách nhiệm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu; các hành động cụ thể của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thực sự phổ biến; việc bảo đảm công bằng giới và các nhóm yếu thế trong xã hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn khó khăn; hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập; vẫn còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách; có sự trùng lặp, chồng chéo trong các kế hoạch, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, không hiệu quả; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực còn bất cập; việc tổ chức thực thi pháp luật còn yếu; hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn chưa cao; nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu so với yêu cầu; sự hỗ trợ của quốc tế có xu hướng giảm; việc huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân còn yếu kém; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu.
Những vấn đề đặt ra trong thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo, song biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển của Khu vực, để tiếp tục thực hiện tiến trình phát triển nhanh và bền vững, cần có những chủ trương, chính sách mạnh hơn, hiệu quả hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Khu vực này.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khai thác được các tiềm năng du lịch, nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra chưa đồng bộ ở các địa phương, chưa tận dụng được lợi thế liên kết vùng, đóng góp của các ngành kinh tế có sử dụng năng lượng sạch chưa cao, dù tỉ trọng các ngành đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây.
Các yêu cầu về bảo vệ môi trường trên bình diện quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi Việt Nam nói chung, Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận; trong đó có cam kết theo các FTA thế hệ mới, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trong tương lai để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.
Một số hàm ý về định hướng và giải pháp trong thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Phổ biến kiến thức, thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và cộng đồng về những vấn đề về diễn biến, tác động, thách thức và cơ hội mà ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại để thay đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn; chuyển đổi công nghệ sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường và cải thiện năng suất lao động. Thay đổi tư duy về trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách; tích hợp biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch phát triển; thống nhất các kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Khí tượng thủy văn 2015, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thuế môi trường 2010, Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu xây dựng Luật về Biến đổi khí hậu, hướng tới một hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu tổng thể và toàn diện.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy về ứng phó với biến đổi khí hậu ở cả Trung ương và địa phương; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tri thức về ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cán bộ quản lý về biến đổi khí hậu ở các bộ, ngành và các địa phương, từ cấp xã trở lên, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể.
Thứ tư, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030. Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên theo hướng đổi mới về phương thức thực hiện, tập trung nguồn lực cho công tác hướng dẫn tổ chức thực hiện các giải pháp lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm nhẹ. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường; áp dụng các chế tài hành chính, hình sự kết hợp áp dụng công cụ kinh tế bảo đảm các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được thực thi hiệu quả trên thực tế.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành phối hợp với các địa phương khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên rà soát, đánh giá, xây dựng và thực hiện thành công các chương trình khoa học công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của khu vực. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn quản lý, thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, hợp tác quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030. Tận dụng các cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nền kinh tế, từ các cam kết trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện khí hậu, carbon thấp. Đồng thời, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp rào cản kỹ thuật để ngăn ngừa các tác động tiêu cực về môi trường từ quá trình hội nhập. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu; Chú trọng hợp tác với các quốc gia láng giềng và trong khu vực về các vấn đề xuyên biên giới như quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đại dương…để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ bảy, huy động và phân bổ các nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030. Tăng nguồn chi từ ngân sách kết hợp với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là cho việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh hợp tác công tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng và thực hiện định hướng chiến lược hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới, cải thiện, khắc phục các bất cập, tồn tại để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, các định chế tài chính toàn cầu.
Thứ tám, phối hợp liên ngành, liên vùng về thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2020-2030. Xây dựng và thống nhất nội dung hoạt động liên kết trung hạn, dài hạn và hoạt động liên kết, phối hợp thường xuyên giữa Trung ương với các địa phương với vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của Trung ương theo hướng: Điều tiết, cân bằng lợi ích giữa các địa phương như xử lý các xung đột về lợi ích, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…; Điều hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích cục bộ địa phương và khuyến khích liên kết tự nguyện giữa các địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích phương liên kết.
Các địa phương trong khu vực chủ động phối hợp cùng nhau tổ chức xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp, liên kết liên tỉnh trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết nối kết cấu hạ tầng trên địa bàn vùng và phối hợp với các địa phương khu vực lân cận trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng hài hoà, cân bằng lợi ích giữa các địa phương; điều hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích cục bộ địa phương. Quan tâm xây dựng cơ chế phối hợp liên tỉnh đối với khai thác điều kiện lợi thế đặc thù tại địa phương trong khu vực. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phép các địa phương trong khu vực chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của khu vực trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ chín, thúc đẩy sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp và của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc vận động nhân dân, cộng đồng thực hành lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, các-bon thấp, tiêu dùng bền vững, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức bản địa truyền thống, phát triển các sinh kế các-bon thấp, thích ứng dựa trên hệ sinh thái,… Thực hiện các dự án điều chỉnh quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đồng bộ về kết nối thị trường, đặc biệt đối với các mô hình lớn.