5 tỉnh Tây Nguyên mời gọi đầu tư vào 558 dự án trọng điểm Tiền Giang: "Trải thảm" đón làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp |
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2023 liên quan đến điều kiện huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân cho phát triển nhà ở (Điều 42), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Dự thảo, một trong các điều kiện để được huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân cho phát triển nhà ở là phải được đăng tải thông tin đủ điều kiện huy động vốn trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án.
“Để được đăng tải lên Cổng thông tin này, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ và phải được xét duyệt đủ điều kiện. Đây được xem như là một loại giấy phép đủ điều kiện huy động vốn” – VCCI nêu rõ.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị xem xét về tính cần thiết phải có loại giấy phép này. Bởi vì, mục tiêu của việc đăng tải trên Cổng thông tin là nhằm minh bạch thông tin, để các bên góp vốn có thể nhận biết được các chủ đầu tư có đủ điều kiện huy động vốn, bảo vệ quyền lợi của bên góp vốn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 183 Luật Nhà ở 2023, trong trường hợp huy động vốn, chủ đầu tư phải cung cấp cho bên góp vốn văn bản giải chấp của tổ chức tín dụng khi ký hợp đồng góp vốn. Như vậy, bên góp vốn có thể nhận biết được điều kiện huy động vốn của chủ đầu tư từ yêu cầu này.
“Việc đặt thêm thủ tục xét duyệt điều kiện huy động vốn có thể khiến quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở bị kéo dài” – văn bản góp ý của VCCI cho biết.
Điều kiện huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh có thể tạo thêm thủ tục, khiến dự án xây dựng nhà ở bị kéo dài. |
Mặt khác, nếu xét về tính thuận lợi của thủ tục hành chính, thủ tục xét duyệt để đăng tải lên Cổng thông tin chưa thực sự thuận lợi cho chủ đầu tư.
Cụ thể theo VCCI, thời gian giải quyết thủ tục: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ là khá dài để xét duyệt điều kiện, trong khi hồ sơ là các tài liệu đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước (báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của dự án đã được phê duyệt) hoặc của tổ chức tín dụng (văn bản giải chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở và quyền sử dụng đất).
Bên cạnh đó, về nguyên tắc giải quyết thủ tục, VCCI cho rằng, đoạn 3 khoản 4 Điều 42 Dự thảo quy định “Trường hợp đã đủ điều kiện huy động vốn theo quy định và đã nhận được hồ sơ do chủ đầu tư gửi nhưng quá thời hạn quy định tại điểm này mà cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh không đăng tải thông tin thì chủ đầu tư được ký hợp đồng huy động vốn nhưng phải chịu trách nhiệm về việc huy động vốn này; cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc không đăng tải thông tin theo quy định tại khoản này”.
Như vậy, việc chủ đầu tư đã đủ điều kiện huy động vốn nhưng cơ quan quản lý không đăng tải thông tin là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư “chịu trách nhiệm về việc huy động vốn này” đang không rõ về phạm vi của tính chịu trách nhiệm là như thế nào? Nếu chịu trách nhiệm theo hướng của một giao dịch dân sự thì quy định này là không cần thiết. Còn nếu chịu trách nhiệm theo hướng chưa được đăng tải thông tin mà tiến hành huy động vốn, sau này phát sinh tranh chấp liên quan đến điều kiện huy động vốn thì yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm là chưa hợp lý, bởi vì đây không phải là lỗi của chủ đầu tư.
Mặt khác, quy định này có nghĩa chủ đầu tư đã tự xác định được đủ điều kiện huy động vốn và tự tiến hành huy động vốn và phải chịu trách nhiệm cho hoạt động này thì thủ tục xét duyệt điều kiện huy động vốn trên Cổng thông tin là không cần thiết và việc minh bạch, công khai thông tin về chủ đầu tư trên Cổng thông tin là ít ý nghĩa.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị, Ban soạn thảo Nghị định cân nhắc bỏ thủ tục xét duyệt điều kiện huy động vốn tại khoản 3 Điều 42. Trong điều kiện vẫn giữ thủ tục này, cân nhắc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục (khoảng 3 ngày) và điều chỉnh quy định trên theo hướng, quá thời hạn giải quyết, chủ đầu tư được quyền thực hiện huy động vốn.