Sự cần thiết
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân.
Thống kê sản lượng huy động các loại hình nguồn điện |
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, huy động nhiệt điện than, điện khí và điện dầu luôn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 43,5% tổng sản lượng điện quốc gia. Trong khi đó giá nhiên liệu dùng để sản xuất điện trong giai đoạn vừa qua tăng khá cao. Đơn cử như năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021. Những tháng đầu năm 2023, giá nhiên liệu có giảm nhưng vẫn tăng ở mức 3 con số.
Việc chưa kịp thời điều chỉnh giá điện theo đúng thời gian, cũng như chưa tính đúng, đủ chi phí đã khiến EVN bị lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo ông Lâm, giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đưa đến hiện tượng El Nino và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao. Mặt khác các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm.
Bên cạnh đó, nếu EVN không bảo toàn vốn nhà nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời, giá điện thấp cũng gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào ngành điện và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước ta.
Dự tính chi phí khách hàng sinh hoạt phải trả sau khi điều chỉnh giá điện từ 9/11/2023 |
Tăng giá điện là hợp lý
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV mới đây, đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) lần này là lần thứ 2 trong năm 2023 (đợt 1 vào ngày 4/5 với mức 3%). Tổng cộng mức tăng là 7,5%.
"Theo tôi, việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường, giá xăng dầu thế giới tăng cao hiện nay, cũng như bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN là hợp lý", đại biểu Hòa chia sẻ.
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, trong tình hình hiện nay, ước tính của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này có thể khiến chỉ số CPI năm nay tăng 0,035%. Đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này cũng có tác động không giống nhau. Với doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, tác động tăng giá điện không đáng kể, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và xã hội. Tuy vậy, với doanh nghiệp khó khăn hay trong thời kỳ thua lỗ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, việc tăng giá điện cũng sẽ khó khăn đối với họ.
Còn đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết: Quan điểm rõ ràng là ngành điện thời gian vừa qua vừa kinh doanh nhưng lại phải hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Trong khi đó, giá thành sản xuất đầu vào tăng, chi phí tăng mạnh, không thể không tăng giá điện được.
Đối với mỗi lĩnh vực, giá điện sẽ tác động khác nhau, không thể thỏa mãn được tất cả các doanh nghiệp cũng như các đối tượng trong nền kinh tế. Có đối tượng vẫn chịu được nhưng có đối tượng sẽ cho đấy là cao.
“Năng lượng là 1 trong những yếu tố chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giá cả năng lượng cũng biến động theo giá cả năng lượng của thị trường thế giới, do đó, các DN phải trên cơ sở lộ trình thay đổi giá điện để có kế hoạch bố trí sản xuất, tái cấu trúc sản xuất, thay đổi công nghệ để cho phù hợp để dần dần các công nghệ hao phí năng lượng lớn, các công nghệ lạc hậu cần được thay thế bởi công nghệ mới thân thiện môi trường, giảm tiêu hao năng lượng hơn…”, đại biểu Trần Văn Lâm nhận định.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Một mặt tích cực khác của việc tăng giá điện là nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của doanh nghiệp. Về vấn đề này ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Công ty Tầm Nhìn Việt cho rằng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn, nếu không, cả trong sinh hoạt và sản xuất sẽ không có ý thức sử dụng điện tiết kiệm.
Cần hướng đến thị trường
Nhìn chung các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá điện cần đảm bảo theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước, đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đánh giá khách quan các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, cần có lộ trình tăng giá điện một cách công khai, để doanh nghiệp tái cấu trúc lại sản xuất, thay đổi công nghệ cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả, giảm hao phí năng lượng.
Về việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/1 lần xuống 3 tháng 1 lần (Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân) đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng là cần thiết. Bởi lẽ sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.
Theo đại biểu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, các cơ quan chức năng cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư nhưng cũng phải vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
"Cần hài hòa ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", đại biểu Trần Văn Lâm nói và cho biết, EVN cũng cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động,... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện.
Cũng liên quan đến điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc thị trường, tại Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" tổ chức ngày 31/10/2023, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng đã đến lúc cần sửa Luật Điện lực, trong đó có quy định về giá theo hướng thị trường, chuẩn bị cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là cơ sở giúp thúc đẩy các yếu tố thị trường, người tiêu dùng được lựa chọn đơn vị bán điện với giá tốt, dịch vụ tốt nhất.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, giá điện cần đảm bảo hài hòa hóa lợi ích các bên, đảm bảo nguyên tắc giá điện là cần tính đúng, tính đủ, cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng.
Để tính đúng, tính đủ giá điện, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần đảm bảo an ninh nguồn điện với sự đồng bộ, kịp thời. Đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá; có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh.