Trong quá trình đầu tư và phát triển, công tác điện khí hóa nông thôn luôn phát triển một cách có định hướng, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13/02/1999 phê duyệt Đề án Điện nông thôn đến năm 2000, với mục tiêu đến cuối năm 2000 đưa điện đến tất cả các tỉnh, huyện trong cả nước, phấn đấu để 80% số xã, trong đó có 60% số hộ nông dân có điện sinh họat và sản xuất, đã có tác động quan trọng đến Chương trình Điện khí hóa nông thôn....
Nâng cấp hạ tầng điện đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt |
Bên cạnh việc đầu tư lưới điện nông thôn bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản, vốn vay thương mại, trước nhu cầu đầu tư lưới điện nông thôn của các địa phương, Chính phủ đã hỗ trợ và cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tìm vốn đầu tư từ nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế để triển khai một số dự án điện khí hóa nông thôn Việt Nam có giá trị lớn và phạm vi thực hiện trên địa bàn rộng, chủ yếu tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa chưa có điện, với mục tiêu cấp điện đến gần 1.000 xã chưa có điện và khoảng 60% số hộ dân trong xã.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2018, tỷ lệ số hộ dân có điện của Việt Nam đạt khoảng 99%, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt khoảng 98%, tương đương khoảng 17 triệu hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Trong tổng số 8.922 xã, có 90% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện, có 20 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí số 4 về điện. Những con số này đã chứng minh sự thành công trong công tác Điện khí hóa nông thôn của Việt Nam cùng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm” luôn gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với đặc thù hệ thống điện, bước đầu ngành điện mới tập trung đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, phân phối để đảm bảo cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn chủ yếu dựa vào các dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án ODA và sự đóng góp của nhân dân dưới sự chỉ đạo của UBND các cấp, công tác tổ chức đầu tư chủ yếu do chính quyền cấp xã, các hợp tác xã và thôn, bản triển khai thực hiện...
Trong thời gian tới, việc đưa điện đến với hơn 2% số hộ dân nông thôn còn lại được sử dụng điện từ các nguồn, trong đó phấn đấu 95% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với Chính phủ, ngành điện và của cả cộng đồng. Hiện, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về nguồn lực để thực hiện mục tiêu ở hầu hết các hộ dân được sử dụng điện đạt tiêu chí số 4 về điện.
Cụ thể, thực hiện Quyết định phê duyệt số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong việc vận động các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh thuộc Chương trình xây dựng cơ chế ưu đãi; hỗ trợ đầu tư, tổ chức công tác quản lý vận hành, bán điện đối với các dự án đầu tư huy động từ nguồn vốn xã hội hóa phát triển năng lượng tái tạo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt….
Kế hoạch từng bước để hơn một triệu hộ dân nông thôn miền núi và hải đảo được sử dụng điện đạt tiêu chí số 4 về điện theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Chính phủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì rất cần có sự nỗ lực của mọi cấp, ngành liên quan để chung tay, chung sức vì mục tiêu đảm bảo có điện phục vụ sinh hoạt - sản xuất là bước đi rất quan trọng và là tiền đề trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, tăng cường và góp phần đảm bảo an ninh trật tự - quốc phòng vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, tổng số vốn cả nước đã đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn trong 15 năm qua là 48.291 tỷ đồng. |