Điện hạt nhân dần hồi sinh
Ngày 14/2, theo Nikkei Asia, phát triển điện hạt nhân đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực tại Việt Nam và Philippines khi nhu cầu về năng lượng sạch gia tăng. Điều này cũng mở ra những thị trường tiềm năng cho các quốc gia sở hữu công nghệ lò phản ứng.
Philippines đặt mục tiêu có 2,4 GW công suất điện hạt nhân hoạt động vào năm 2035, bao gồm cả việc tái vận hành nhà máy điện hạt nhân Bataan trên đảo Luzon với sự hỗ trợ từ Mỹ và Hàn Quốc. Hiện nay, chính quyền Mỹ đang giúp đỡ các nhà nghiên cứu Philippines nghiên cứu công nghệ hạt nhân và đã ký thỏa thuận cho phép xuất khẩu vật liệu, linh kiện hạt nhân sang Philippines phục vụ mục đích dân sự.
Nhà máy Bataan được xây dựng từ những năm 1980 nhưng dự án đã bị đình chỉ vào năm 1986. Chính phủ Philippines cũng đang xem xét triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), được cho là an toàn hơn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống.
![]() |
Philipines có kế hoạch hồi sinh nhà máy điện hạt nhân bị đình chỉ từ thế kỷ trước. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Việt Nam đã tái khởi động dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Các nhà máy điện hạt nhân hiện đại thường cần khoảng 10 năm để xây dựng, nhưng Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng việc xây dựng các nhà máy sẽ cần sự huy động của cả hệ thống chính trị.
Xu hướng phát triển điện hạt nhân tại Đông Nam Á
Theo Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản, tính đến tháng 1/2024, hơn 430 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, với hơn 160 lò phản ứng khác đang trong quá trình xây dựng hoặc có kế hoạch triển khai. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tổng công suất điện hạt nhân lắp đặt vào năm 2040 sẽ cao gấp 1,4 lần so với năm 2023.
Đông Nam Á đang tìm cách đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, đồng thời tiếp tục mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính. Với những căng thẳng về thương mại như hiện nay, làn sóng chuyển dịch sản xuất từ các nhà máy Trung Quốc sang Đông Nam Á có thể sẽ tăng tốc, khiến khu vực này cần thêm nhiều năng lượng hơn.
Indonesia có kế hoạch triển khai một nhà máy điện hạt nhân 250 MW vào đầu những năm 2030 và hướng đến việc vận hành hơn 20 lò phản ứng vào năm 2050. Thái Lan cũng đang xem xét sử dụng loại lò phản ứng SMR, bắt đầu với hai lò phản ứng 300 MW vào năm 2037.
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, dự kiến hơn 7 GW công suất phát điện hạt nhân sẽ đi vào hoạt động vào năm 2040 dựa trên các kế hoạch hiện tại.
Sự phát triển này tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia có công nghệ hạt nhân tiên tiến. Mỹ đang lên kế hoạch thành lập một nhóm công nghiệp hạt nhân dân sự tại Philippines nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các nước Đông Nam Á và doanh nghiệp Mỹ.
Nga cũng bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ phát triển điện hạt nhân tại Myanmar. Hàn Quốc đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này. Trung Quốc được cho là đang nhắm đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Indonesia và triển khai các lò phản ứng nổi trên biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại. Ngoài chi phí xây dựng cao, ngành công nghiệp này đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực chuyên môn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2025 và có thể cải thiện an ninh năng lượng khi nhu cầu điện gia tăng. Các vấn đề về chi phí, vượt tiến độ và tài chính cần phải được giải quyết. Báo cáo mới của IEA cho biết, sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới cho nguồn năng lượng an toàn và sạch khi nhu cầu điện trên toàn cầu tăng mạnh. |