Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 Cộng đồng doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh |
Sáng 19/3, tại Hà Nội, Phiên họp cấp cao của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF 2023) đã chính thức diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Việt Nam - "điểm sáng" bức tranh kinh tế toàn cầu
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại thành tựu trong kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen, song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn |
Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ.
"Cùng với các tín hiệu khả quan nêu trên, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm.
Cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và trên đà phục hồi tích cực. Góp phần cho việc đạt được những thành quả đó chính là nỗ lực kiên trì đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cùng nhiều giải pháp quan trọng khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là kết quả từ quyết tâm vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong một năm đầy thử thách, khi số doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường tăng đến gần 20%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Dự báo nào cho năm 2023?
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế tại Diễn đàn, năm 2023 là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, đó là những vấn đề như cạnh tranh chiến lược với những nước lớn, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia, nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng… gia tăng trên toàn cầu.
Bối cảnh trong nước, theo ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn từ sức ép của lạm phát và tỷ giá, lãi suất rủi ro trong gián đoạn chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu và kể cả trên chính "sân nhà" Việt Nam. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó dự báo.
Trên cơ sở đó, ông Phạm Tấn Công cho rằng, năm 2023 và những năm tới, sẽ có những chuyển biến lớn trên bình diện toàn cầu, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến 3 xu hướng, bao gồm: Thứ nhất, xu hướng thích ứng tốt hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, nên các hoạt động đầu tư kinh doanh cần phải chú trọng tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn với những bất trắc và nguy cơ.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước |
Thứ hai là xu hướng phát triển nhân văn hơn, vì con người hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta thấy một xu hướng rất rõ là quan tâm đến con người, quan tâm đến sức khoẻ hơn. Một số ngành nghề sẽ trở nên quan trọng hơn nữa như ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ và các sản phẩm công nghệ cũng hướng đến phục vụ tốt hơn cuộc sống con người.
Thứ ba là xu hướng phát triển xanh hơn. Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, nhiều quốc gia đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các thị trường quốc tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm “xanh”.
Các tổ chức quốc tế hiện nay ưu tiên vốn tín dụng cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam phải chú trọng chọn lọc các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường, nguồn vốn tín dụng xanh.
Đồng tình với quan điểm cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, ông Thomas Jacods- Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế nhận định: Mô hình kinh tế xanh sẽ giúp giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, hiện thực hoá các mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và các cam kết phát thải ròng bằng 0 đưa ra tại COP26. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế xanh, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn, dự báo khoảng 6,3% GDP mỗi năm, để có được nguồn vốn này, Việt Nam cần vượt qua những rào cản thể chế, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào tăng trưởng xanh.