Tại Diễn đàn, hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giới thiệu các mô hình, các sản phẩm tiến tiến về công nghệ và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...Sự kiện đã thu hút hàng nghìn khách tham quan.
Cắt băng khai mạc Diễn đàn |
Bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị tổ chức cho biết, được tổ chức thường niên từ năm 2017, diễn đàn lần này được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu đến các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư các thông tin mới nhất liên quan đến lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo, cũng như tạo cầu nối gắn kết giữa bên cung và bên cầu.
Diễn đàn thu hút đông đảo khách tham quan |
Diễn đàn nằm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.
Theo bà Lan, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân chính có thể kể đến là giá điện thấp; rào cản về tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, rào cản về tài chính và rào cản về năng lực công nghệ nội sinh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, nhiều diễn giả đã đóng góp những ý kiến về chính sách và Công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, nhằm truyền tải đến đại biểu các thông tin đa chiều từ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc; ý kiến của doanh nghiệp trong cuộc về chính sách và công nghệ tới các thông tin về công nghệ điển hình được nghiên cứu và phát triển thành công trong nước cũng như các công nghệ từ nước ngoài sẵn sàng chuyển giao vào Việt Nam.
“Đây sẽ là nền tảng để tiếp thêm sức mạnh và động lực cho Việt Nam tiến nhanh hơn nữa trên con đường đổi mới, làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ nội sinh trong lĩnh vực hết sức quan trọng này” bà Lan chia sẻ thêm.