Liên tiếp bắt giữ 2 tàu vận chuyển trái phép hơn 140.000 lít dầu DO Đồng bằng sông Cửu Long: Ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới |
Trước tình trạng lợn nhập lậu xuất hiện tại một số khu vực biên giới của nước ta, tỉnh Ðiện Biên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, lực lượng chức năng khu vực biên giới đã tích cực tuyên truyền, tăng cường tuần tra, bám nắm địa bàn nhằm ngăn chặn việc nhập lậu lợn, bảo vệ thị trường nội địa.
Trước tình trạng lợn nhập lậu xuất hiện tại một số khu vực biên giới của nước ta, tỉnh Ðiện Biên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý. Ảnh minh họa |
Theo đại diện Ðội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên cho biết, do chênh lệch về giá lợn, các sản phẩm từ lợn giữa nước ta và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyển lợn trái phép vào địa bàn. Ðiều này ảnh hưởng xấu đến giá lợn và gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại bệnh nguy hiểm như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng...
Trong khi, theo vị này, với địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp; cơ sở buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép phân tán, nhỏ lẻ, nhận thức của người dân còn hạn chế đã gây khó khăn trong việc kiểm soát thị trường.
Hiện, tại địa bàn huyện Mường Nhé có tổng số 165 hộ kinh doanh, hầu hết các thương nhân tập trung ở trung tâm huyện và tại các xã: Mường Toong, Chung Chải, Quảng Lâm. Trong đó, địa bàn 6 xã biên giới là Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé và Nậm Kè tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối tượng xấu lợi dụng để vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào địa bàn.
Trước tình hình trên, Ðội Quản lý thị trường số 4 thường xuyên thực hiện kiểm tra đột xuất và chuyên đề. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới về việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh. Qua đó, vận động các tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Đại diện Ðội Quản lý thị trường số 4 thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, tại khu vực biên giới, giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, các đội Quản lý thị trường số 3, 4 đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Đồng thời, thường xuyên bám nắm địa bàn nhằm kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn lợn được vận chuyển, nhập lậu; làm giả, trái quy định về kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển động vật.
Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp, thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay cũng như xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Ðối với thị trường nội địa, Cục Quản lý thị trường tỉnh phân công các đoàn kiểm tra và công chức tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.
Thực tế cho thấy, nhận thức của một số người dân khu vực biên giới còn hạn chế, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm từ việc nhập lậu lợn; việc buôn bán, vận chuyển khi không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; các loại dịch bệnh có thể lây từ động vật sang người.
Nhờ đó, đã góp phần giúp người dân khu vực biên giới nâng cao cảnh giác, không tham gia, tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nói chung, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm gần biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển lợn để tiêu thụ tại địa bàn.