Để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh thông qua triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển hạ tầng thương mại biên giới và cải cách thủ tục hành chính, hướng đến tính kết nối, gia tăng liên kết vùng, khu vực và quốc tế.
Khai thác hiệu quả các FTA
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa có nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm liên doanh, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Tuy nhiên, để khai thác tốt nhất những tiềm năng từ các FTA, tỉnh Điện Biên đã thiết lập đầu mối thông tin về các FTA (trong đó có Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA), giao Sở Công Thương là Thường trực Tiểu ban hội nhập quốc tế về kinh tế của tỉnh làm đầu mối.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian vừa qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội để kết nối giao thương, mở rộng tiềm năng hội nhập quốc tế.
Theo đó, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên làm đấu mối phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức 2 hội nghị trực tiếp cấp vùng về hội nhập kinh tế quốc tế với các chuyên đề: Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022”; làm đấu mối phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị khu vực Tây Bắc bộ về “Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số: Những vấn đề đặt ra với địa phương và doanh nghiệp”, thu hút sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và của các tỉnh khu vực Tây Bắc; tại Hội nghị đã có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết thực hiện giữa các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 |
Sở Công Thương cũng là đơn vị tổ chức, mời các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Điện Biên gồm 3 hội nghị theo các chuyên đề: Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc tổ chức ngày 26/12/2021; Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc tổ chức ngày 8/1/2022; Diễn đàn các Tỉnh trưởng Hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mêkông ngày 21 và 22/11/2022.
Ngoài ra, Sở Công Thương Điện Biên cũng triển khai tổ chức nhiều chương trình hội nghị theo hình thức trực tuyến và trực tiếp khác như: Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại Hà Nội; Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 6 và Hội chợ Thương mại xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc lần thứ 26; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia 3 hội chợ giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh Bắc Lào, 2 hội chợ trong nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến các sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn ngành Công Thương do Bộ Công Thương tổ chức, đến nay tỉnh có 56 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP…
Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành, đơn vị đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin chính sách về xuất nhập khẩu và thương mại biên giới tới doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh như: thông báo chính sách phòng dịch tại các cửa khẩu trong và ngoài tỉnh, các văn bản chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thông tin dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước, cập nhật quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tới các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để biết và chủ động kế hoạch kinh doanh phù hợp, triển khai và thông báo các quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên rất chú trọng đến công tác khuyến công và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất, mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất và hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Điện Biên: Tạo động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu |
Đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay Sở Công Thương đang tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
“Tỉnh Điện Biên định hướng phát triển thị trường hoạt động xuất nhập khẩu: duy trì và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với Lào, Trung Quốc và Thái Lan; tiến tới mở rộng thị trường sang các nước khác trong khu vực và thế giới” - ông Sơn thông tin và cho biết, trong thời gian tới, trước hết tỉnh tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, ưu tiên những mặt hàng mà hai bên có lợi thế để phát triển hoạt động xuất nhập khẩu và buôn bán qua biên giới.
Sở Công Thương sẽ tham mưu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển thương mại biên giới trên các cấp độ; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi hóa hải quan, tăng cường phối hợp trong quản lý thương mại biên giới; thực thi, phổ biến, triển khai các chính sách liên quan đến phát triển thương mại biên giới. Cùng với đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu; tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như xi măng, hàng thủ công mỹ nghệ và một số nông, lâm sản chế biến khác, hạn chế tối thiểu tình trạng xuất thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến.
“Sở sẽ chú trọng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm sản chế biến, vật liệu xây dựng, như: Xi măng, chè, cà phê, đồ gỗ mỹ nghệ, nông lâm sản chế biến; mở rộng tiếp thị nắm bắt kịp thời thông tin thị trường trong nước, quốc tế và thị trường các tỉnh Bắc Lào, Thái Lan và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Biên bản ghi nhớ với thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Biên bản hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh Bắc Lào nhằm đẩy mạnh các hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai bên; tổ chức gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước giữa hai bên; tiến tới mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với địa phương các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ thương mại biên giới hàng năm và mời phía bạn tham gia, cũng như tham gia hội chợ phía bạn tổ chức khi được mời nhằm quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất qua biên giới. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại thị trường trong và ngoài nước.
Về vấn đề kết nối hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại biên giới với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; trao đổi, thông tin về thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, những thay đổi quy định về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu của mỗi nước. Đồng thời, phối hợp với phía bạn, khảo sát, lựa chọn các chợ biên giới đã được Bộ Công Thương và Chính phủ hai bên xác định, có tiềm năng phát triển, thống nhất đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ đề nghị các tỉnh Bắc Lào có ý kiến kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ Lào sớm dành cho thương nhân Việt Nam ưu đãi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng (tương ứng với phía Việt Nam) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ xuất nhập khẩu giữa hai bên. Cùng với đó, đề nghị tỉnh Luông-pha-băng và tỉnh U-đôm-xay đề xuất các cơ quan có liên quan triển khai thủ tục sớm mở ga thông quan hàng hóa Luông-pha-băng và U-đôm-xay tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản vận chuyển đi qua tuyến đường này.