Điểm tin nóng thế giới ngày 8/8: Ukraine thọc sâu lãnh thổ Nga; "Vòm sắt'' của Israel chạm nguy cơ thất thủ
Ukraine ‘thọc sâu’ vào vùng Kursk, biên giới Nga cháy rực
Theo Reuters, lực lượng Ukraine đã xâm nhập biên giới phía nam gần một trung tâm truyền khí đốt tự nhiên lớn của Nga. Đây được coi là một trong những cuộc xâm nhập lớn nhất vào lãnh thổ Nga của Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ.
Hiện trường vụ tấn công nhằm vào vùng Kursk, giáp biên giới Nga - Ukraine ngày 6/8 (Ảnh: Moscow 24) |
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc giao tranh bắt đầu từ ngày 6/8 và kéo dài suốt đêm sang ngày 7/8, khi lực lượng Ukraine tiến về phía tây bắc của thị trấn biên giới Sudzha, cách Moscow 530 km (330 dặm) về phía tây nam.
Theo ước tính của quân đội Nga, có tới 1.000 binh lính Ukraine tham gia vào cuộc tấn công. Quân lính đã đột nhập bằng hàng chục thiết bị hạng nặng, bao gồm xe tăng các loại, xe bọc thép chở quân Stryker do Mỹ sản xuất và các xe bọc thép và thiết bị khác.
RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/8 cho biết, Ukraine đã thực hiện hành động khiêu khích quy mô lớn chống lại Nga. Đó là cố xâm nhập vào khu vực Kursk, dùng đủ loại vũ khí, gồm cả rocket, bắn bừa bãi vào các tòa nhà dân sự, nhà ở và xe cứu thương.
Theo Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin, quân đội nước này đã tiêu diệt hơn 300 quân và 54 xe bọc thép, trong đó có ít nhất 6 xe tăng. Bên cạnh đó, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu tại vùng Sumy của Ukraine. Ukraine đã thông báo bắt buộc sơ tán dân thường khỏi hơn 20 khu định cư biên giới.
Mỹ đe dọa trừng phạt thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Nga
Theo RT, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nói với tờ Financial Times rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nếu tiếp tục cho phép bán cho Nga các thiết bị lưỡng dụng của Mỹ mà Moscow có thể sử dụng để sản xuất quân sự trong cuộc xung đột với Ukraine.
Trong một bài viết ngày 7/8, FT cho biết Washington ngày càng lo ngại rằng quốc gia thành viên NATO này đã trở thành một trung tâm quan trọng mà qua đó các thiết bị điện tử do phương Tây sản xuất, bao gồm bộ xử lý, thẻ nhớ và bộ khuếch đại, được chuyển đến Nga để sản xuất tên lửa và máy bay không người lái.
Một quan chức Bộ Thương mại giấu tên cho biết, Hoa Kỳ coi Ankara, quốc gia từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, là nguồn cung cấp hàng hóa có mục đích sử dụng kép lớn thứ hai của Hoa Kỳ cho Nga, sau Trung Quốc.
Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Thực thi Xuất khẩu tại Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ, Matthew Axelrod, cho biết trong một tuyên bố với FT rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải "giúp" Washington ngăn chặn dòng chảy công nghệ của Hoa Kỳ vào Nga. "Chúng tôi cần thấy sự tiến triển nhanh chóng từ chính quyền và ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng hậu quả đối với những bên trốn tránh kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi", ông cảnh báo.
Iran và đồng minh siết chặt ''vành đai lửa’', hệ thống '‘vòm sắt’' của Israel chạm giới hạn
Theo Sputnik, Nhà phân tích quân sự Nga Yuri Lyamin cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hồi tháng 4 đã đẩy hệ thống phòng không của Israel đến giới hạn, mặc dù Iran chưa sử dụng tên lửa tốt nhất của mình, trong khi Israel đã được Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác hỗ trợ.
Tuy nhiên, khác với vụ tập kích hồi tháng 4, lần này, Iran có thể phối hợp với các đồng minh trong khu vực bao vây Israel bằng chiến lược vành đai lửa.
Ông Behnam Ben Taleblu, chuyên gia về Iran và thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD) chỉ ra, gần như mọi phong trào vũ trang xung quanh khu vực Israel đều được tiếp cận với hàng loạt vũ khí hiện đại của Iran.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định, Hệ thống Phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) giúp Israel bắn hạ tên lửa tầm ngắn và bảo vệ các khu vực đông dân khỏi các cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas, nhưng năng lực của Iran và phong trào Hezbollah của Liban đã được nâng cấp ở một cấp độ khác. Vì vậy, hệ thống này của Israel khó có thể bảo vệ người dân khỏi một số máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran.
Trong nhiều năm qua, hệ thống Vòm Sắt - vốn do Mỹ và Israel cùng phát triển - là hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn hàng đầu thế giới. Nhờ hệ thống này, mối đe dọa từ các đối thủ của Israel đối với các trung tâm dân cư sẽ giảm đi đáng kể. Hiện tại, Israel và Mỹ đang xây dựng hệ thống phòng không toàn diện hơn với sự tham gia của cả không quân và radar từ các nước láng giềng như Arab.
Tổng thống Biden lo ngại ‘đổ máu’ nếu ông Trump thua bầu cử
Theo Reuters, ngày 7/8, Tổng thống Joe Biden cho biết ông không tin tưởng vào việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Hoa Kỳ nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thua cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 11.
Tổng thống Joe Biden |
"Nếu ông Trump thua, tôi không tin tưởng chút nào. Ông ấy nói đúng, chúng tôi không coi trọng ông ấy, tất cả những thứ về việc nếu chúng tôi thua, sẽ có một cuộc tắm máu, đó sẽ phải là một cuộc bầu cử bị đánh cắp", ông Biden trả lời phỏng vấn với CBS News khi được hỏi liệu ông có nghĩ sẽ có sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sau cuộc bỏ phiếu hay không.
Trong một lần xuất hiện trong chiến dịch tranh cử vào tháng 3 tại Ohio, ông Donald Trump đã cảnh báo về một "cuộc tắm máu" nếu ông không thắng cử. Vào thời điểm đó, vị cựu tổng thống đang thảo luận về nhu cầu bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài, và sau đó ông tuyên bố rằng mình đang ám chỉ đến ngành công nghiệp ô tô khi sử dụng thuật ngữ này.