Ukraine phá loạt cầu phao Kursk bằng khí tài Mỹ
Theo Reuters, Ukraine cho biết lực lượng nước này đã phá hủy các cầu phao của Nga bằng vũ khí do Mỹ sản xuất để bảo vệ cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga. Theo hình ảnh vệ tinh, cây cầu tạm của Nga đã biến mất và có nhiều khói xám bốc lên từ khu vực này.
Cuộc không kích của Ukraine vào một số cầu phao ở khu vực Kursk (Hình ảnh cắt từ video) |
Ukraine đã bảo vệ chặt chẽ các mục tiêu bao quát của mình ở khu vực Kursk, đồng thời cho biết họ đã tạo ra một vùng đệm từ khu vực mà Nga dùng để tấn công Ukraine bằng các cuộc không kích xuyên biên giới. Một đoạn video do lực lượng đặc nhiệm Ukraine đăng tải cho thấy, các cuộc không kích vào một số cầu phao ở khu vực Kursk, nơi Ukraine đã phá hủy ít nhất ba cây cầu bắc qua sông Seym. Ukraine xác nhận đã phá hủy các cây cầu ở Kursk bằng vũ khí do Mỹ sản xuất. Tuyên bố cho biết, các hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ đã được sử dụng trong các cuộc tấn công.
Nga khẳng định ngăn chặn thành công bước tiến của Ukraine ở Kursk
Theo RT, Thống đốc vùng Bryansk Aleksandr Bogomaz cho biết Lực lượng Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công xuyên biên giới của quân đội Kiev vào vùng Bryansk.
Theo ông Bogomaz, cuộc đột kích của Ukraine đã bị lực lượng biên phòng và quân đội chính quy của Nga ngăn chặn hôm 21/8. "Kẻ thù đã bị tấn công", vị quan chức này cho biết, đồng thời nói thêm rằng "tình hình đã ổn định và được kiểm soát".
Bryansk nằm ngay phía tây vùng Kursk của Nga, một phần trong số đó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine sau một cuộc xâm nhập vào đầu tháng này.
Kênh tin tức Telegram Mash đưa tin rằng quân đội Ukraine đã cố gắng đột phá gần làng Zabrama, cách biên giới Nga với Belarus khoảng 30 km. Hơn 200 binh sĩ đã tham gia vào cuộc đột kích, nhưng đã rút lui sau khi chịu "thiệt hại nghiêm trọng”.
Thủ tướng Israel quyết không từ bỏ hành lang Philadelphi ở Gaza
Theo Reuters, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố bản tin trên truyền hình Israel cho biết, Israel không đồng ý rút quân khỏi hành lang Philadelphi dọc biên giới giữa Ai Cập và Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: REUTERS/Amir Cohen) |
"Israel sẽ kiên quyết đạt được mọi mục tiêu của mình trong cuộc chiến, như đã được Nội các An ninh xác định, bao gồm cả việc Gaza không bao giờ còn là mối đe dọa an ninh đối với Israel nữa. Điều này đòi hỏi phải bảo vệ biên giới phía nam", văn phòng của Netahyahu cho biết trong tuyên bố.
Cùng ngày, tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về tính cấp thiết của việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và thả các con tin, nhưng Israel và Hamas vẫn kiên quyết thực hiện các yêu cầu của họ.
Cuộc gọi giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu diễn ra sau chuyến đi chớp nhoáng tới Trung Đông của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken mà không tạo ra bước đột phá nào trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng.
Tàu sân bay Mỹ mang tiêm kích F-35 áp sát Trung Đông
Theo CBS News, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln trang bị tiêm kích tàng hình F-35C và tiêm kích đa năng F/A-18 Block III của Mỹ được triển khai đến khu vực Trung Đông giữa lúc căng thẳng.
“Tàu sân bay USS Abraham Lincoln, được trang bị các máy bay chiến đấu F-35C và F/A-18 Block III, đã tiến vào khu vực do Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (US Centcom) chịu trách nhiệm. Tháp tùng con tàu này còn có Hải đội khu trục số 21 và Không đoàn tàu sân bay số 9”, thông cáo của US Centcom đăng trên mạng xã hội X viết.
Theo The Times of Israel, động thái tàu sân bay Mỹ đến Trung Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị trong khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, khi Israel gần đây tiến hành nhiều vụ ám sát nhằm vào các chỉ huy Hamas hoặc Hezbollah. Gần nhất vào ngày 21/8, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã không kích vào thành phố Sidon của Lebanon, khiến quan chức Khalil Makdah thuộc Phong trào Fatah thiệt mạng.
Ông Donald Trump trở lại vận động cử tri ngoài trời sau lớp kính chống đạn
Theo AP, trong cuộc vận động ngoài trời đầu tiên của mình kể từ vụ ám sát hụt vào tháng trước tại Bắc Carolina, ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã phát biểu từ phía sau tấm kính chống đạn. Đồng thời, nhiều tay súng bắn tỉa được triển khai trên các mái nhà gần đó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Trong bài phát biểu, ông Trump đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris về cuộc rút quân gây ở Afghanistan và các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, đồng thời liên tục nhắc lại điều này trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp của đảng Dân chủ ở Chicago, nơi mà nhiều diễn giả đã chỉ trích ông Trump là mối đe dọa đối với đất nước nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Sự kiện này được tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia, là một phần trong chuỗi chương trình phản biện kéo dài một tuần của ông Trump đối với Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đang diễn ra tại Chicago.
Hoạt động vận động cử tri ngoài trời của ông Trump được nối lại chỉ 1 ngày sau khi bà Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong Đại hội toàn quốc của đảng này, đang diễn ra tại TP Chicago, bang Illinois.
Hé lộ nguyên nhân vụ rơi máy bay của Tổng thống Iran
Theo RT, Hãng thông tấn Fars dẫn nguồn tin an ninh đưa tin vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng là do thời tiết xấu và máy bay chở nhiều hơn hai hành khách so với số lượng cho phép.
Theo đó, ông Raisi đang trở về từ cuộc họp với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vào ngày 19 tháng 5 thì trực thăng của ông bị rơi trên núi, khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng. Đội cứu hộ không đến được hiện trường vụ tai nạn cho đến ngày hôm sau do thời tiết xấu.
Cuộc điều tra chính thức đã xem xét 30.000 người, nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy lỗi của con người hoặc hành động phá hoại, theo Fars. Các điều tra viên kết luận rằng chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất của Raisi quá nặng, chở nhiều hơn hai hành khách so với quy định an ninh cho phép.