Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 7/4/2024: Giá vàng trong nước sát mốc 82 triệu đồng/lượng Giá vàng hôm nay 8/4/2024: Vàng dự báo tăng vùn vụt, tiếp tục vượt đỉnh trong tuần mới |
Giá vàng hôm nay
Sáng nay (8/4), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.307,4 USD/ounce, giá vàng giao tương lai tháng 6/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.326,5 USD/ounce.
Giá vàng SJC trong nước chênh thế giới khoảng 10,71 triệu đồng/lượng |
Ở trong nước, lúc 9h sáng nay, giá vàng SJC niêm yết ở mức 79,50 triệu đồng/lượng mua vào và 81,55 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 72,93 triệu đồng/lượng mua vào và 74,33 triệu đồng/lượng bán ra.
Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch so với giá vàng SJC trong nước khoảng 10,71 triệu đồng/lượng.
Giá xăng dầu hạ nhiệt
Giá xăng dầu thế giới bắt đầu tuần mới trong sắc đỏ. Vào lúc 7h52' sáng nay (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 89,6 USD/thùng, giảm 1,57 USD, tương đương 1,72% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 85,41 USD/thùng, giảm 1,5 USD, tương đương 1,73% so với phiên liền trước.
Tuần trước, giá dầu đã tăng 5 phiên không ngừng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng với giá dầu Brent chạm 91,17 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 86,91 USD/thùng.
Sự leo dốc liên tục của giá dầu trong tuần trước được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc, nguồn cung thắt chặt khi OPEC+ giữ nguyên hạn ngạch cắt giảm sản lượng tự nguyện và công suất lọc dầu tại nhà máy lọc dầu của Nga giảm đến 15%.
Xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,25 tỷ USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đến hết tháng 3/2924, xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này từ các nước đang tăng mạnh. Để khai thác tốt cơ hội đó, nhiều giải pháp đã được ngành nông nghiệp chủ động triển khai. Hiện, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về năng lực sản xuất và cung ứng xoài. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu xoài vào Trung Quốc, chiếm gần 84%. Việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc… sẽ mở ra cơ hội cho loại trái cây này.
Xuất khẩu hạt điều tăng
Tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu 55.000 tấn hạt điều, trị giá 289 triệu USD, gấp đôi so với tháng trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới tăng cao. Đặc biệt, hạt này ngày càng trở thành món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe được nhiều người sử dụng hằng ngày.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 (điều trắng loại 320 hạt) và W240 (loại 240 hạt), tỷ trọng chiếm 56,71% tổng lượng hạt điều xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều W320 và W240 tác động tích cực lên hoạt động của ngành.
Về thị trường, Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều của Việt Nam lớn nhất, còn Trung Quốc nổi lên là một người mua tích cực.
Dệt may khởi sắc
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, xuất khẩu quý I/2024 tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, đơn đặt hàng đã có đến quý II và III năm nay.
Đại diện Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, xuất khẩu dệt may đang có dấu hiệu phục hồi, công ty đã có đơn hàng đến tháng 6. Tương tự, tại Tổng công ty May 10, ba tháng đầu năm, doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu 15% so với cùng kỳ năm trước. Công ty có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, thậm chí một số chủng loại có đơn đến quý III năm nay.
Năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2022, tồn kho lớn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU khiến sức mua giảm, lãi suất tăng cao, chênh lệch tỷ giá đè nặng lợi nhuận doanh nghiệp.