Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 24/9/2023: Giá đường trong nước tăng mạnh Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 25/9/2023: Phòng ngừa rủi ro tỷ giá dịp cuối năm |
Giá phân bón tăng mạnh
Giá phân bón ure hiện tăng trên 10% so với cuối tháng 8 và tăng 24 - 30% so với hồi tháng 7.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 26/9/2023: Giá phân bón tăng mạnh. (Ảnh minh họa) |
Giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg; các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với tháng trước đó.
Tương tự, nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên 11.000 đồng. Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh so với trước đó.
Dự báo giá phân bón sẽ còn đi lên trong quý này, nhưng theo các chuyên gia, giá hàng hóa này khó "phi mã" khi nguồn cung trong nước và trên thế giới không quá căng thẳng.
VND vẫn ghi nhận tăng giá so với các đồng tiền
Nhận định của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI tại Báo cáo Chiến lược tháng 9 mới phát hành cho thấy: Tỷ giá chịu áp lực từ đồng USD. Tỷ giá VND/USD bật tăng trong tháng 8, khi tăng tới 1,7% trong bối cảnh đồng USD ghi nhận tăng 1,6%. Tuy nhiên, VND vẫn ghi nhận tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Theo báo cáo này, biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.
Thị trường bất động sản có sự phân hóa từng khu vực
Dù thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng chủ yếu là các sản phẩm nhà ở, đất ở phục vụ nhu cầu thật. Thậm chí, ngay khi hết tháng Ngâu, tức tháng 7 Âm lịch, một số dự án còn rục rịch tăng giá nhẹ. Còn các phân khúc đầu tư vẫn cần có thêm thời gian hoặc cú huých đặc biệt về hạ tầng, tiện ích dịch vụ.
Khả năng hồi phục trên thị trường bất động sản sẽ có sự phân hóa theo từng khu vực, từng phân khúc. Nhưng về cơ bản, nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình là từ khoảng cuối quý IV năm nay tới đầu quý I năm sau, thị trường sẽ phát đi những tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn.
Giá vàng giảm, dầu đi lên, USD tăng mạnh
Giá vàng hôm nay 26/9 trên thị trường quốc tế giảm. Giá xăng dầu thế giới có xu hướng đi lên. Giá USD quốc tế tăng cao. Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm với mức giảm cao nhất là 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước rạng sáng nay giảm và giao dịch quanh ngưỡng 69 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đã được chiều chỉnh giảm 50.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán xuống lần lượt 68,2 triệu đồng/lượng và 69,05 triệu đồng/lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, giảm 50.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.
Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 68,25 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,97 triệu đồng/lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được chiều chỉnh giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68,2 triệu đồng/lượng mua vào và 69,05 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở cả 2 chiều xuống lần lượt 68,32 triệu đồng/lượng mua vào và 68,93 triệu đồng/lượng bán ra.
Khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không tăng 300%
Trong 9 tháng năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế tăng 266,8%, đạt 23,7 triệu lượt khách và khách nội địa giảm 3,6%, đạt 65,2 triệu khách.
Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 44,1 triệu lượt khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hành khách quốc tế tăng 300,2%, đạt 11,5 triệu lượt, còn khách nội địa giảm 3,6%, đạt 32,6 triệu lượt.
Nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD dần hồi phục
Nhiều ngành sản xuất chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ hàng tỷ đến chục tỷ USD dần có những điểm sáng khi đơn hàng hồi phục sau thời gian dài giảm sâu.
So với đầu năm, thị trường dệt may nay đã tăng trưởng khoảng 20%. Nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã hoạt động tới 90 - 95% công suất. Năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39,5 - 40 tỷ USD, giảm 4 tỉ USD so với năm 2022. Ngành dệt may cũng quyết liệt đầu tư vào xanh hóa, phát triển bền vững, tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến...
Còn với ngành gỗ, đơn hàng dần phục hồi khi doanh nghiệp đã có đơn hàng để duy trì toàn bộ công nhân đến cuối năm.
Ngành hàng thủy sản cũng đang ghi nhận sự khởi sắc, khi ba tháng gần đây có doanh số xuất khẩu tôm cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm, trong đó thị trường Mỹ ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên trong tháng 7. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tốt lên, khi Giáng sinh và Tết dương lịch đang đến gần.