Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 25/3/2024: Giá vàng trong nước liệu có tăng trở lại? Giá vàng hôm nay 26/3/2024: Vàng SJC lao dốc xuống dưới 80 triệu đồng/lượng, vàng thế giới nhích tăng |
Giá vàng hôm nay
Giá vàng thế giới rạng sáng nay (26/3) tăng, với vàng giao ngay tăng 7,5 USD lên 2.170,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.173 USD/ounce, tăng 13,2 USD so với rạng sáng qua.
Trong khi đó, giá vàng các thương hiệu ở trong nước ổn định. Hiện tại, giá vàng SJC niêm yết ở mức 77,85 triệu đồng/lượng mua vào và 79,65 triệu đồng/lượng bán ra. So với rạng sáng qua, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 100.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán.
Giá vàng thế giới tăng, trong nước ổn định |
Với vàng nhẫn, tại Bảo tín Minh Châu hiện niêm yết ở mức 68,59 triệu đồng/lượng mua vào và 69,79 triệu đồng/lượng bán ra.
Hơn 92% cửa hàng xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử
Tính đến ngày 24/3, đã có 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước với 14.727 cửa hàng đã phát hành hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng. Như vậy, còn 1.254 cửa hàng, chiếm 7,8% chưa thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng.
Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh có 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã xuất hóa đơn từng lần bán hàng. Ngoài ra, có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tiến độ xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trên 90%.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm việc phát hành hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu trong tháng này. Theo đó, đến ngày 31/3 xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, trong đó có cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định.
Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lại "nóng"
Theo khảo sát, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 28/4 về ngày 3/5 có giá từ 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng/vé. Mức giá này cao hơn 2,5 triệu đồng/vé so với hiện tại.
Với chặng Hà Nội đi Đà Nẵng thời điểm 27 - 30/4, mức giá tốt nhất tìm được trong ngày 23/3 là 4,7 triệu đồng khứ hồi, cao gấp 1,6 lần so với một tuần sau đó.
Với hành trình Hà Nội - Đà Lạt, giá vé máy bay ngày 27/4, hãng hàng không VietJet Air cung cấp các chuyến bay với mức giá từ 2,7 - 3,9 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi Vietnam Airlines là 3,8 - 13,07 triệu đồng/ vé.
Trong khi đó, với chặng bay Hà Nội - Nha Trang đi ngày 28/4 và về ngày 3/5, mức giá tốt nhất tìm được trong sáng 23/3 là 3,9 triệu đồng/vékhứ hồi và cao nhất là 7,7 triệu đồng, cao hơn 1,2 - 1,5 triệu đồng so với thời điểm hiện tại.
Giá vé các chặng khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 30/4 - 3/5 cũng không hề dễ chịu. Theo khảo sát, giá vé khứ hồi chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc của Vietravel Airlines thấp nhất là 3 triệu đồng; Vietjet Air là 3,3 triệu đồng; Vietnam Airlines là 3,9 triệu đồng.
Quỹ bình ổn xăng dầu còn gần 6.700 tỷ đồng
Đến cuối năm 2023, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn gần 6.700 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với năm trước đó. Theo Bộ Tài chính, quý cuối năm ngoái, cơ quan quản lý sử dụng hơn 132,8 tỷ đồng từ quỹ bình ổn và trích quỹ 14,9 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2023 khoảng 3,3 tỷ, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ âm không đáng kể.
Đề xuất tăng chi phí hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo về Quỹ hỗ trợ đầu tư. Quỹ này nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước rót vốn vào một số lĩnh vực mới nổi theo hướng xanh (chip, bán dẫn, điện gió ngoài khơi) trong bối cảnh Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu 2024.
Các khoản hỗ trợ từ Quỹ được chi trực tiếp bằng tiền, không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiền hỗ trợ được áp dụng cho 5 nhóm chi phí, gồm đào tạo, phát triển nhân lực; nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Hiện dự thảo đưa ra mức hỗ trợ nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp tối đa 50%. Góp ý, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chi phí này cần tăng lên, chẳng hạn tối đa 75%, nhằm đảm bảo tính lan tỏa trong nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ được nhận mức hỗ trợ này khi họ thuê một đơn vị trong nước (trường đại học, viện nghiên cứu) thực hiện hoạt động R&D. Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu, giúp khoa học công nghệ trong nước phát triển.