Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 21/2/2024: Giá vàng đảo chiều tăng trở lại Giá vàng hôm nay 22/2/2024: Vàng trong nước quay đầu giảm nhẹ, thế giới nhích tăng |
Giá vàng liên tục quay đầu giảm
Từ sau ngày vía Thần tài đến nay giá vàng trong nước đảo chiều liên tục. Hôm nay ngày 22/2, giá vàng trong nước tiếp tục giảm. Hiện tại, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 75,90 triệu đồng/lượng mua vào và 77,90 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn hôm nay cũng giảm. Tại Bảo tín Minh Châu, vàng nhẫn đang giao dịch quanh mức 64,42 triệu đồng/lượng mua vào và 65,52 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng quay đầu giảm |
Giá vàng thế giới ổn định, với vàng giao ngay giảm 1 USD xuống 2.023 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.035 USD/ounce, giảm 0,9 USD so với rạng sáng qua.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ 57 thị trường
Việt Nam nhập khẩu hơn 716.000 tấn thịt và các sản phẩm từ 57 thị trường trên thế giới, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất, với hơn 160.000 tấn, trị giá hơn 476 triệu USD.
Các chủng loại nhập khẩu như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, thịt heo, thịt bò, mỡ heo tươi ướp lạnh…
Phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội
Theo số liệu báo cáo đã tập hợp chuyển về Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương gồm Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang đã được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. Như vậy gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP bước đầu đã có kết quả, song giải ngân còn chậm.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu lạc quan từ đầu năm
Nhiều ngành hàng, địa phương xuất khẩu lạc quan từ đầu năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh năm 2024 sẽ tăng thêm 30%. Các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm mới để lên đường đi Trung Quốc, Mỹ, Australia...
Theo tính toán từ hiệp hội gạo, năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Cà phê, hạt tiêu tăng giá
Sau Tết Giáp Thìn, giá cà phê tăng 5 phiên liền và lập đỉnh mới, còn tiêu cũng lên cao nhất 4 năm. Kết thúc phiên ngày 21/2, giá cà phê nhân xô lên 82.500 đồng/kg, tăng 300 đồng so với hôm qua và tăng 3.500 đồng so với tuần trước. Tương tự, hạt tiêu xô cũng tăng liên tiếp 5 ngày, lên 91.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước Tết. Như vậy, giá tiêu đã tăng 10-12% trong tháng 2.
Giá cà phê, hạt tiêu tăng mạnh do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung giảm so với cùng kỳ 2023. Nhiều doanh nghiệp đang tăng mua để đảm bảo tiến độ xuất khẩu, đẩy giá lên cao. Năm nay, sản lượng hạt tiêu toàn cầu có thể thiếu hụt do biến đổi khí hậu. Những năm qua, giá tiêu xuống thấp nên nhiều nơi giảm diện tích.
Việt Nam hiện cũng là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 3.420 USD/tấn, giảm 19,4% so với năm 2022.