Yên Bái: Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao |
Chia sẻ của ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái về những điểm sáng trong năm vừa qua.
Thưa ông đâu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Yên Bái trong năm 2022 vừa qua?
Nhìn lại năm 2022, ngành Công Thương Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngành Công Thương Yên Bái đã đạt được những kết quả khả quan.
Ông Trịnh Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái |
Kết quả sau 02 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; các Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh và đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo nhiều kết quả tích cực, công nghiệp, thương mại tiếp tục phát triển đúng hướng. Tạo đà để triển khai hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Vậy cụ thể các lĩnh vực của ngành Công Thương đã có mức tăng trưởng như thế nào thưa ông?
Theo đó, công nghiệp tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá, các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,3% so với cùng kỳ, vượt 0,3% kế hoạch. Tăng trưởng Công nghiệp - Xây dựng trong GRDP đạt 14,7%, riêng công nghiệp tăng 16%.
Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp, tăng 0,21%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục tăng khá: Điện sản xuất, sản phẩm gỗ chế biến, sản phẩm đá CaCO3 bột, hạt…
Ngành sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, chế biến lâm sản phát triển nhanh, Yên Bái đã thu hút được một số nhà đầu tư chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có chất lượng, tăng công suất chế biến của các nhà máy đã đầu tư; một số sản phẩm chủ lực thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi: quế, măng tre, gỗ, dược liệu. Từng bước trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng.
Sản phẩm quế đã xây dựng được thành chuỗi cung ứng |
Trong khi đó, ngành sản xuất phân phối điện tăng nhanh trở thành ngành đóng góp chủ lực cho công nghiệp: Đã đưa thêm 04 nhà máy thủy điện vào vận hành với tổng công suất 48MW. Hết 2022 có 28 nhà máy tổng công suất 538 MW, sản lượng điện đạt trên 2 tỷ KWh.
Bên cạnh đó, hệ thống khu cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển: Đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 926 ha: KCN Trấn Yên, các cụm CN Phú Thịnh 1, 2. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trung bình đạt trên 95%.
Công tác thu hút đầu tư được tăng cường, năm 2022 đã thu hút 19 dự án vào lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Hạ tầng cung cấp điện được tập trung đầu tư, trong năm hoàn thành cải tạo đảm bảo cung ứng điện, an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản lượng điện tiêu thụ năm 2022 ước đạt 1.350 triệu KWh.
Cùng với công nghiệp tăng trưởng cao, hoạt đông thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu năm 2022 cũn không kém phần sôi động. Thị trường hàng hóa ổn định, sức mua tăng cao, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường thường xuyên được tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt ước đạt 23.815,3 tỷ đồng, tăng 12,96% so với cùng kỳ, bằng 101,34% kế hoạch. Trong đó riêng doanh thu dịch vụ tiêu dùng vượt 26% kế hoạch.
Giá trị xuất khẩu năm 2022 ước đạt 297 triệu USD, vượt 6% kế hoạch đề ra, tăng 31% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng hàng hóa đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường, hiện nay toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác.
Hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2022 được ngành Công Thương Yên Bái đẩy mạnh và thu được nhiều thành công |
Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử từng bước được đổi mới, tích cực thực hiện việc chuyển đổi số, áp dụng nền tảng số, công nghệ số trong hoạt động.
Hạ tầng thương mại tiếp tục được quan tâm, thu hút đầu tư. Đã thu hút 05 dự án vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, ngành Công Thương Yên Bái đã đề ra những mục tiêu như thế nào thưa ông?
Năm 2023, dự báo tiếp tục gặp khó khăn, thách thức chung. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 ngành Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Một là, xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao trong Chương trình số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 và Chương trình hành động của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hai là, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái; Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU; Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp, thương mại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là rút ngắn thời gian giải quyết và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành và địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bốn là, thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo ổn định cung cầu, bình ổn thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn;
Năm là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Xin trân trọng cảm ơn ông.