Sẽ cưỡng chế vi phạm chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang
Vừa qua, Báo Công Thương có bài viết “Chùa của sư Thích Chân Quang 'ngang nhiên' tồn tại 35 công trình trái phép lấn chiếm đất rừng” phản ánh về việc Chùa Phật Quang (xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do sư Thích Chân Quang trụ trì xây dựng 36 công trình thì có tới 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
Một góc Chùa Phật Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: Chùa Phật Quang |
Trong đó, công trình Chánh điện được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m.
Liên quan đến sự việc này, ngày 27/8/2024, trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Bắc - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ cưỡng chế công trình vi phạm tại Chùa Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ), nơi sư Thích Chân Quang làm trụ trì.
“Vừa rồi địa phương đã ra quyết định cưỡng chế rồi, hiện tại đang lập dự toán để ra phương án cưỡng chế”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Cùng ngày, đại diện Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân thị xã đã ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm tại chùa Phật Quang, do ông Vương Tấn Việt (tức sư Thích Chân Quang) làm trụ trì.
Đại diện Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ cho biết: “Do tháng 4 vướng vào ngày Đại lễ Phật Đản, tiếp đến là Lễ Vu Lan do đó các ban ngành hiện đang làm thủ tục để cưỡng chế khắc phục hậu quả”.
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Công Thương có, tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Chùa Phật Quang (địa chỉ thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do ông ông Vương Tấn Việt (sư Thích Chân Quang - PV) là người đại diện theo pháp luật.
Tại quyết định này, ông Vương Tấn Việt đã có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.418,25m2 thuộc tiểu khu Tân Hòa rừng phòng hộ núi Dinh, thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục đích, xây dựng nhà vệ sinh và nhà kho.
Việc làm này đã vi phạm hành chính quy định tại Điểm d, khoản 3, Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Quyết định cưỡng chế nêu: “Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 8 Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu. Cụ thể, buộc Chùa Phật Quang đưa khỏi đất cây trồng, vật nuôi, di dời công trình, tài sản trên đất, buộc trả lại đất đã chiếm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ”.
Điều đáng nói, thời gian có hành vi chiếm đất rừng để xây dựng các công trình trên được xác định diễn ra vào ngày 3/6/2021, và việc cưỡng chế này là để khắc phục hậu quả cho việc tái lấn chiếm đất rừng phòng hộ vào năm 2021.
Từ đó có thể thấy rằng, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thanh, kiểm tra và chỉ ra hàng loạt những vi phạm tại Chùa Phật Quang về việc chiếm hàng nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ. Trong khi chưa khắc phục hậu quả, đến năm 2021, ông Vương Tấn Việt lại tiếp tục lấn chiếm thêm hơn 1.400m2 đất rừng phòng hộ.
Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như thế nào khi để xảy ra những vi phạm mang tính có hệ thống như vậy? Những vi phạm xảy ra tại Chùa Phật Quang được chỉ ra vào năm 2018 khắc phục đến đâu? Phóng viên Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.
Vietcombank chính thức triển khai bán vàng qua app
Từ 10h ngày 27/8/2024, Vietcombank sẽ ngừng cung cấp dịch vụ đặt lịch mua vàng miếng SJC trên website và tại quầy, chuyển sang bán vàng qua ứng dụng VCB Digibank.
Theo đó, khách hàng có thể đặt mua vàng trực tiếp trên app, chọn số lượng, địa điểm, và thời gian giao nhận tại quầy, sau đó thanh toán và nhận hóa đơn điện tử qua email đã đăng ký. Thông tin lịch hẹn và giao dịch sẽ được gửi qua tin nhắn OTT/email, khách hàng chỉ cần mang giấy tờ tùy thân và mã giao dịch đến nhận vàng tại quầy theo lịch hẹn.
Thời gian đặt lịch và thanh toán trên VCB Digibank là từ 10h-16h các ngày làm việc. Hạn mức thấu chi không được áp dụng trong thanh toán mua vàng. Trước đó, các ngân hàng nhà nước như Agribank, VietinBank, BIDV và SJC đã triển khai bán vàng online qua website, nhưng do lượng khách quá đông, có thời điểm ghi nhận 140.000 lệnh đặt mua cùng lúc, gây ra tình trạng hết vàng chỉ sau vài phút mở cửa.
Để tối ưu hóa quy trình bán vàng và minh bạch hóa giao dịch, Vietcombank tiên phong chuyển sang bán vàng qua ứng dụng di động, đánh dấu bước đột phá trong việc bán vàng online, giúp việc giao dịch trở nên tiện lợi hơn.
Như vậy, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai bán vàng miếng SJC qua ứng dụng di động. Ba ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV, VietinBank và Agribank vẫn tiếp tục triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC online qua website ngân hàng, giao dịch và nhận vàng tại quầy.
Quảng Trị: Bắt Phó chánh Văn phòng tỉnh chèn link cờ bạc vào website cơ quan nhà nước
Ngày 27/8, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa khởi tố 7 bị can để điều tra về đường dây "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố, gồm nhiều đối tượng tham gia, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Theo cơ quan công an, ông Lê Châu Long, Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, cùng các bị cáo khác chèn link cá độ, cờ bạc trái phép… vào website của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đăng Thông (sinh năm 1993, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) và Lê Châu Long (sinh năm 1971, khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) - hiện là Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Qua điều tra xác định các bị can là những người có trình độ về công nghệ thông tin, từng làm việc trong các trang/cổng thông tin điện tử của các địa phương; một số đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Từ năm 2019 đến năm 2024, nhóm đối tượng này đã lợi dụng quyền quản trị các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, trường học và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm chèn trái phép các link quảng cáo vào các website tên miền ".gov.vn" và ".edu.vn" để kiếm tiền từ quảng cáo bất hợp pháp.
Những link quảng cáo này đã dẫn người dùng đến các trang web cờ bạc, cá độ trái phép, gây nhầm lẫn cho người dân, dẫn đến việc lộ thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Hành động này không chỉ làm mất uy tín của các cơ quan Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh mạng và gia tăng các tội phạm như cá độ, đánh bạc trực tuyến và mại dâm. Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.