Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép chơi
Nghị định số 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT) dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 12/2/2022 và thay thế các Nghị định số 86/2013/NĐ-CP và Nghị định số 175/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh TCĐTCT dành cho người nước ngoài.
Nghị định quy định máy TCĐTCT sử dụng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải là máy mới 100%. Ảnh: ST |
Nghị định có một số quy định mới, nổi bật, trong đó, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý giám sát chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh TCĐTCT dành cho người nước ngoài đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, Nghị định có quy định về đối tượng người chơi và quản lý đối tượng người chơi. Theo đó, chỉ người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được phép chơi TCĐTCT. Quá trình chơi diễn ra hoàn toàn tự động giữa người chơi với máy TCĐTCT. DN kinh doanh TCĐTCT có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát tất cả các đối tượng được phép ra, vào điểm kinh doanh.
Về quản lý máy TCĐTCT và thiết bị dự phòng, Nghị định quy định máy TCĐTCT sử dụng kinh doanh TCĐTCT phải là máy mới 100% và được tổ chức kiểm định độc lập hoạt động tại các nước G7 cấp chứng nhận. DN được phép kinh doanh 2 chủng loại máy gồm: máy dành cho 1 người chơi (máy giật xèng) và máy dành cho nhiều người chơi cùng một lúc nhưng tối đa không quá 32 người chơi; tỷ lệ máy TCĐTCT dành cho nhiều người chơi tối đa là 15%/tổng số máy thực tế kinh doanh.
DN được quyền mua, quản lý và sử dụng thiết bị dự phòng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc thiết bị dự phòng phải là thiết bị mới 100% và số lượng thiết bị dự phòng không được vượt quá 10% tổng số thiết bị máy TCĐTCT được phép kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, trường hợp máy TCĐTCT bị hư hỏng hoặc cần bảo dưỡng định kỳ, việc sửa chữa, bảo dưỡng này chỉ được thực hiện trong điểm kinh doanh hoặc tại các tổ chức có chức năng sửa chữa, bảo dưỡng máy; trường hợp sửa chữa, bảo dưỡng máy TCĐTCT có liên quan đến các bộ phận làm thay đổi tỷ lệ trả thưởng thì DN phải thuê tổ chức kiểm định độc lập để kiểm định lại trước khi đưa máy vào kinh doanh.
Về địa điểm kinh doanh TCĐTCT, Nghị định quy định địa điểm kinh doanh TCĐTCT phải được bố trí tại một khu vực riêng biệt trong cơ sở lưu trú du lịch và phải có hệ thống camera theo dõi toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh với thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu là 180 ngày kể từ ngày ghi hình. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, DN phải nâng cấp hệ thống camera theo dõi, giám sát điểm kinh doanh đáp ứng thời gian lưu trữ hình ảnh nêu trên.
5 điều kiện để DN được cấp phép hoạt động
Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (ĐĐKKD), Nghị định quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD gắn với hoạt động kinh doanh chính của DN nhằm thúc đẩy phát triển về du lịch, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và chỉ cấp cho DN có năng lực tài chính mạnh. Theo Bộ Tài chính, so với quy định trước đây tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP thì điều kiện cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD đã được nâng cao.
Cụ thể, DN phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD gồm: đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh TCĐTCT và sở hữu cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng 5 sao; có khu vực bố trí điểm kinh doanh biệt lập đáp ứng điều kiện kinh doanh TCĐTCT; có người quản lý, điều hành có trình độ từ đại học trở lên; có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm quản lý hoạt động kinh doanh TCĐTCT; có vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỷ đồng và kinh doanh có lãi trong năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD; có phương án kinh doanh đảm bảo duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, quản lý và xử lý hồ sơ, Nghị định quy định cụ thể các thành phần hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận ĐĐKKD, theo đó DN chỉ phải nộp bản sao các giấy tờ, hồ sơ liên quan và lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ gồm nộp trực tiếp đến Bộ Tài chính thông qua đường bưu điện hoặc thông qua cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính.
Để đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, Nghị định quy định, trường hợp DN thay đổi bất kỳ nội dung nào trong Giấy chứng nhận ĐĐKKD thì phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận ĐĐKKD. DN sau khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về DN thì phải làm thủ tục để được cấp lại Giấy chứng nhận ĐĐKKD.
Nghị định cũng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kinh doanh TCĐTCT và giao các bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh TCĐTCT. Trong đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh TCĐTCT, gồm: ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận ĐĐKKD; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh TCĐTCT. Bộ Công an có trách nhiệm quản lý về đối tượng được phép chơi tại các điểm kinh doanh; về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh TCĐTCT và phòng, chống hoạt động đánh bạc trái phép…