Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Viện Gig (Ba Lan) ký kết hợp tác |
Nâng cao giá trị khoáng sản
Đổi mới, phát triển khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là động lực giữ vai trò then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhất là trong điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng khó khăn như hiện nay. Kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao năng suất lao động, mức độ an toàn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Hiểu rõ nhiệm vụ này, ngay từ khi mới thành lập, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã luôn đồng hành cùng các đơn vị khai thác khoáng sản; góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Năm 1972, khi mới đi vào hoạt động, Viện đã triển khai và hoàn thành xuất sắc hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tập đoàn. Kết quả của các công trình nghiên cứu được áp dụng, triển khai vào thực tiễn sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho ngành Than.
Lãnh đạo Viện chia sẻ trong bức tranh toàn cảnh về kỹ thuật, công nghệ của ngành Than hiện nay, đã có những lò chợ được chống giữ bằng vì chống thủy lực vững chắc, an toàn; các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, khai thác than bằng máy khấu và dàn chống tự hành cho năng suất cao; hệ thống vận tải than, người hay vật tư thiết bị từ dưới hầm lò lên mặt đất được đồng bộ...
Trong quá trình phát triển, nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng đã để lại dấu ấn quan trọng trong sản xuất, có bước đột phá, tạo sự phát triển mới về khoa học công nghệ ngành Than. Những thành tựu đó đều có một phần công sức quan trọng của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ sàng tuyển,chế biến, sử dụng than và khoáng sản, Viện đã triển khai thành công nhiều đề tài nghiên cứu, dự án, công trình như: Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi than từ bã sàng bãi thải, than chất lượng thấp các mỏ than vùng Quảng Ninh; nghiên cứu lựa chọn công nghệ tuyển than phù hợp để phát triển bền vững vùng than Quảng Ninh; nghiên cứu công nghệ tuyển tận thu các loại quặng sắt, thiếc, chì kẽm từ quặng đuôi hoặc từ bãi thải; nghiên cứu đánh giá công nghệ nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai Lâm Đồng...
Viện đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai 18 hệ thống sàng tuyển tại mỏ thu hồi than sạch từ các nguồn than xấu chất lượng thấp, giúp cho các mỏ trên giải quyết được vấn đề tồn đọng than bã sàng, than xấu; ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm than sạch, tận thu tài nguyên.Viện đang tiếp tục nghiên cứu công tác triển khai, áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác trong các điều kiện chiều dày, góc dốc vỉa khác nhau tại các mỏ hầm lò như cơ giới hóa tại: Quang Hanh, Khe Chàm, Vàng Danh, Uông Bí; nghiên cứu công nghệ khai thác vỉa dày trung bình dốc > 45 độ tại Hồng Thái; nghiên cứu các giải pháp công nghệ chèn lò trong khai thác các vỉa than nằm dưới các công trình cần bảo vệ mặt đất…
Triển khai nhiều đề tài lớn
Những kết quả đã đạt được là động lực lớn để Viện tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, Viện đã hoàn thành và tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở 8 đề tài cấp bộ, 8 đề tài cấp tập đoàn, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ năm trước chuyển sang.
Viện trưởng Trần Tú Ba và đại diện Viện Gig cắt băng khánh thành phòng Thí nghiệm nghiên cứu khả năng tự cháy than |
Cụ thể, nhiều đề tài đã được thực hiện như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng tại các mỏ than hầm lò Quảng Ninh; nghiên cứu, chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo. Bên cạnh đó, Viện cũng đã hoàn thành 8 đề tài cấp bộ được giao năm 2015, trong đó 4 đề tài đạt loại xuất sắc, 4 đề tài đạt loại khá; đang thực hiện 9 đề tài cấp bộ do Tổng cục Năng lượng quản lý theo kế hoạch khoa học - công nghệ năm 2016 của Bộ Công Thương. Các đề tài cấp tập đoàn cũng được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành đúng thời hạn.
Ngoài công tác nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ TKV giao trong công tác tư vấn và chuyển giao công nghệ, Viện tiếp tục đề xuất thực hiện nhiều dịch vụ khoa học kỹ thuật với các đơn vị khai thác và chế biến than, khoáng sản. Giải pháp kỹ thuật do Viện đề xuất đã được các đơn vị tiếp nhận thực hiện và đánh giá cao, đem lại hiệu quả kinh tế; giảm tổn thất tài nguyên và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Vai trò vô cùng quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành Than là không thể phủ nhận. Vì vậy, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các công trình, dự án khoa học công nghệ để xây dựng Viện phát triển ổn định, đứng vững trong cơ chế thị trường; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy về khoa học công nghệ cho các đơn vị trong TKV.
Với những thành tích đã đạt được, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen, Cờ Thi đua của Bộ Công Thương, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… |