Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ |
Ngày 12/3/1984, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã cấp Bằng công nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Từ ngày được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia đến nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột được trùng tu nâng cấp, sửa chữa lại nhiều lần theo nguyên dạng như xưa để phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.
Được xây dựng từ những năm 1930-1931, nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu của các tỉnh Trung Kỳ. Tên gọi Nhà đày Buôn Ma Thuột một mặt bắt nguồn do thực dân Pháp đặt: Pénitencer de Ban Mê Thuột, mặt khác là do tính chất, loại hình các nhà giam của thực dân Pháp. Sau khi thành án, những tù nhân án nặng (từ 5 năm trở lên), bị coi là nguy hiểm thì lần lượt bị đày tới nơi xa xôi trong đất liền, ngoài hải đảo, hoặc là những nơi vốn là thuộc địa của Pháp cách Việt Nam hàng vạn dặm. Từ đó xuất hiện các nhà đày.
Nhà đày Buôn Ma Thuột xây dựng trên diện tích gần 2 hecta, với 4 bức tường bao quanh cao 4m dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, bên cạnh cổng chính ở phía Nam là dãy xà lim giam giữ tù chính trị thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Ngoài ra còn có nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn. Đây là kiểu bố trí nhà tù truyền thống của thực dân Pháp. Nơi đây được nhiều người biết đến không phải vì kết cấu kiến trúc, không phải vì đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù mà là ở phong trào đấu tranh anh dũng của những thế hệ tù nhân chính trị nơi đây. Nhà đày giam giữ nhiều chiến sỹ yêu nước nhưng cũng là môi trường rèn luyện cho biết bao thế hệ cách mạng. Nhiều người về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội như các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…
Tại nhà đày, cuối năm 1941, một tổ chức bí mật có tên “lực lượng trung kiên” được thành lập. Đường lối, chủ trương của Đảng được quán triệt, truyền bá, lan tỏa đến nhiều nơi khác trong tỉnh, là tiền đề cho những thắng lợi về sau. Vượt lên trên tất cả sự tàn bạo, dã man của kẻ thù là tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên trung của những người tù Cộng sản. Những năm tháng đấu tranh oanh liệt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã viết thành một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập nước nhà, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Đăk Lăk nói riêng và của cả nước nói chung.
Qua nhiều lần trùng tu, hiện nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón khách tham quan các cụm trưng bày hình ảnh, hiện vật nhằm phần nào tái hiện lại một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt, hào hùng của những chiến sỹ cách mạng ở nơi đây.
“Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở mọi người dân Việt Nam, muốn yêu nước trước hết phải hiểu truyền thống lịch sử nước nhà, từ đó mới kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của cha anh.
Đến với di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột, chúng ta thấm sâu thêm truyền thống cách mạng, biết thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu ở ngay tại địa phương nói riêng, cả nước nói chung, từ đó nhân niềm tự hào, tiếp thêm ngọn lửa về tinh thần yêu nước, cách mạng; xây dựng, vun đắp, bồi dưỡng thành tình cảm, niềm tin, lý tưởng sống, thôi thúc mỗi người chúng ta có những hành động cách mạng cụ thể để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.