Lạc quan trong ngắn và dài hạn
Báo cáo "Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn" của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố tại Hà Nội tháng 9/2018 đã chọn ra 18 nền kinh tế được đánh giá đạt hiệu quả vượt trội hơn trong số 71 nền kinh tế được khảo sát.
Áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất |
Trong số 18 nền kinh tế đó, MGI chọn 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm, từ năm 1965 đến năm 2016, gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. 11 nền kinh tế còn lại là Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam được xem có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm kể từ năm 1996 đến 2016.
Báo cáo cập nhật 2018 của PwC - 1 trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới - cho thấy, nếu như 2 năm trước, hãng này xếp Việt Nam đứng ở vị trí 22 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, thì cuối năm 2018, PwC nhận định vào năm 2050, vị trí của Việt Nam sẽ là 20. "Xét về tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050, với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5%" - PwC nhìn nhận.
Đó là câu chuyện của tương lai, dài hạn. Còn ngay cả với tầm nhìn ngắn hạn, câu chuyện tăng trưởng nhanh của Việt Nam đã trở thành điểm chung của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng châu Á (ADB) đều điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam, đạt từ 6,70 đến 6,80%.
Còn với các chuyên gia trong nước, báo cáo cuối cùng của năm 2018 đến từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhấn vào con số 7% để chỉ mức tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam, nghĩa là cao hơn mức dự kiến đến 0,3%.
Trong khi đó, các chuyên gia đến từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhất trí với mức tăng 7% của năm 2018, trong khi đưa ra kịch bản cho GDP của năm 2019 và 2020. Theo đó, với kịch bản cơ sở, GDP năm 2019 sẽ có mức tăng 6,8% và năm 2020 là 7%. Trong khi đó, với kịch bản cao, GDP năm 2019 là 7,02% và năm 2020 là 7,2%.
Yếu tố then chốt
Một câu hỏi lớn là trong khi các động lực tăng trưởng cũ như giá nhân công rẻ, dựa nhiều vào tăng tín dụng, xuất khẩu sản phẩm thô đều đã "tới hạn" thì Việt Nam sẽ dựa vào những động lực mới nào để duy trì đà chạy cho "đoàn tàu" tăng trưởng kinh tế?
Ngay tại cuộc họp thường trực Chính phủ bàn về công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban - đã đặt câu hỏi với nội dung trên. "Phải phân tích sâu sắc hơn những đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện hay để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn" - Thủ tướng nêu quan điểm. Theo Thủ tướng, những đặc trưng đó có thể là phát triển đô thị, phát triển kinh tế tư nhân và nông nghiệp.
Một cách cụ thể hơn, Thủ tướng lấy ví dụ, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn lớn (tới 42% lao động làm việc trong khu vực này). Đây là nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp. "Cho nên, cùng với kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và vấn đề lao động nông nghiệp hiện hành, chúng ta phải giải được bài toán năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động ở Việt Nam" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao |
Sự thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ cũng được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam - cho rằng, để thành công được trong "sân chơi" kinh tế thế giới, Việt Nam cần đặt căn bản tăng trưởng dựa trên nền tảng là những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế bền vững hơn, thể chế hoàn thiện hơn, và một nền giáo dục - đào tạo chất lượng hơn để người lao động có thể đóng góp thực sự hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Trong khi đó, chuyên gia Anu Madgavkar đến từ PwC chú ý đến hai yếu tố then chốt tạo nên sự tăng trưởng vượt trội. Thứ nhất, các nền kinh tế vượt trội hơn có xu hướng phát triển một nghị trình hỗ trợ tăng trưởng cho các lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy năng suất, tăng thu nhập và nhu cầu. Thứ hai, vai trò nổi bật của doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân đầu người. "Nếu Việt Nam chưa làm hoặc chưa quan tâm thì hãy làm, hãy quan tâm. Còn nếu đã làm, đã quan tâm thì cần làm tốt hơn, quan tâm lớn hơn" - bà Anu Madgavkar nói.
Vẫn theo chuyên gia này, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới có nhiều đổi mới về công nghệ, giúp cải thiện về năng suất, tăng tính cạnh tranh. Vấn đề là cần đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Còn TS. Đặng Đức Anh - trong vai trò chuyên gia phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - cho rằng, có 3 động lực cho tăng trưởng mới của Việt Nam. Đó là phát triển khu vực tư nhân; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; khoa học - công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, theo TS. Anh, rất cần quan tâm đến dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô lớn hơn trong những năm tới.
Việt Nam cần tăng trưởng dựa trên nền tảng là những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế bền vững, thể chế hoàn thiện và một nền giáo dục - đào tạo chất lượng hơn. |