Ngành đường sắt tập trung nguồn lực để khắc phục các điểm sạt lở |
Các điểm sạt lở nằm ở những vị trí hiểm trở nên các phương tiện, biện pháp khắc phục rất khó khăn. Hiện ga Lăng Cô đang là ga trung chuyển hành khách đường sắt từ Lăng Cô vào ga Kim Liên (TP. Đà Nẵng) để tiếp tục hành trình. Ông Lê Thanh Sơn - Trưởng ga Lăng Cô cho biết: Các điểm sạt lở trên diện tích đất mềm, nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra. Hiện những điểm sạt lở nhỏ đang được các công nhân khắc phục, những điểm lớn phải chờ trời tạnh, nếu không rất nguy hiểm bởi lượng đất mềm này đổ xuống bất cứ lúc nào, nếu nhanh khoảng 19h ngày 21/11 có thể thông tuyến.
Các lực lượng chức năng tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại ga Lăng Cô |
Trước đó, khoảng 12h30' ngày 20/11 đã xảy ra vụ sạt lở đất đá từ một quả núi trên đèo Hải Vân rơi xuống đoạn đường sắt Bắc - Nam ở phía Nam đèo Hải Vân. Đoàn tàu SE3 từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh với 15 toa, có 247 hành khách đến khu vực trên phải dừng lại. Sau đó toàn bộ đoàn tàu quay ngược về ga Lăng Cô. Ngay sau đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, Công an huyện Phú Lộc đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ phối hợp với các đơn vị chức năng điều hoà hướng dẫn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho hành khách yên tâm chờ thông tuyến. Đồng thời các đơn vị của ngành đường sắt triển khai phương án phá đá, thông đường. Đến khoảng 21h đêm 20/11, tuyến đường sắt đi qua đoạn đèo Hải Vân đã được giải phóng, đoàn tàu SE3 và nhiều tuyến tàu khác tiếp tục hành trình.
Tuy nhiên, do mưa to nên sáng ngày 21/11, tuyến đường sắt qua đoạn đường này tiếp tục tê liệt.