Tăng cường an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt |
Kết nối trao đổi dữ liệu thu, chi qua môi trường mạng
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm trở lại đây, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong phối hợp, kết nối trao đổi dữ liệu thu, chi qua môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến và các kênh thanh toán điện tử) góp phần giảm thủ tục hành chính và thời gian đi lại của các đơn vị sử dụng ngân sách khi phát sinh giao dịch bằng tiền mặt. Điều này đã đưa đến kết quả là số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước luôn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và có xu hướng giảm dần qua các năm. Đơn cử như cuối năm 2021, tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt so với tổng thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước lần lượt là 0,33% và 0,57%.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước. Ảnh: Thùy Linh |
Tại các điạ phương, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được Kho bạc Nhà nước nỗ lực thực hiện. Năm 2009, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại sớm nhất trong toàn hệ thống. Từ 4 ngân hàng thương mại ban đầu, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với 5 ngân hàng thương mại cổ phần vào các năm tiếp theo. Tính đến thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã phối hợp thu với 21 chi nhánh của 9 hệ thống ngân hàng thương mại gồm: Agribank, MB, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, VPbank, Seabank, LienVietPostBank. Số điểm thu hộ ngân sách nhà nước của ngân hàng thương mại cũng tăng lên theo thời gian, từ 104 điểm vào năm 2020 đến 117 điểm vào năm 2021 và đến giữa năm 2022 là 120 điểm.
Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng cho biết, đơn vị này đã hiện đại hóa theo quy định các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của đất nước và thế giới. Đặc biệt, đơn vị đã phát triển các giao dịch không dùng tiền mặt như dừng giao dịch thu ngân ngân sách nhà nước bằng tiền mặt vào thứ bảy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp ngân sách nhà nước vào ngày này có thể nộp tại các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng phối hợp thu trên địa bàn. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã vận động, khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách khi có nhu cầu rút tiền mặt có thể thực hiện tại ngân hàng thương mại đối với các khoản chi dưới 1 tỷ đồng.
Tại Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã cùng với cục Thuế, cục Hải quan ký kết phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại. Hiện nay, Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế đã mở nhiều tài khoản chuyên thu và tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước được dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng và giảm thiểu số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước.
Trong công tác kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế đã từng bước chuyển hẳn chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt sang các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các ngân hàng thương mại khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ của các ngân hàng thương mại tại từng địa bàn, hướng dẫn mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đến nay, số lượng đơn vị đã thực hiện thanh toán thu nhập cá nhân qua thẻ ATM là 1.262 đơn vị, chiếm tỷ lệ 86% trong tổng số các đơn vị giao dịch trên địa bàn (1.321 đơn vị).
Tiếp tục tích cực triển khai
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 29/4/2022, Kho bạc Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1935/QĐ-KBNN phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025 với những giải pháp thiết thực nhằm hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước. Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đưa ra định hướng thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế nói chung và trong hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng, đặc biệt là trong thu, chi ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; lấy khách hàng làm trung tâm của hoạt động thanh toán.
Qua gần 5 tháng triển khai, đến nay, tất cả các đơn vị Kho bạc Nhà nước đang tích cực thực hiện với định hướng đến cuối giai đoạn không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm tới mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt.
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Đắk Nông, để thực hiện thành công Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-KBĐN phê duyệt kế hoạch thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Đắk Nông đến năm 2025 và một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp gửi các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện tốt đề án.
Với các giải pháp đã thực hiện, số lượng giao dịch và số món phát sinh trong công tác thu, chi tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước Đắk Nông đã giảm xuống đáng kể. Đặc biệt, từ tháng 6/2022, tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước Cư Jút, Đắk Song, Đắk GLong, Đắk RLấp và tại Văn phòng Kho bạc Nhà nước Đắk Nông không còn phát sinh giao dịch thu chi tiền mặt. Qua thống kê từ Kho bạc Nhà nước Đắk Nông, nếu trong năm 2015, số thu tiền mặt qua 5 chi nhánh ngân hàng thương mại mà đơn vị ký kết là trên 850,6 tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng số thu ngân sách nhà nước thì đến hết tháng 6/2022, tổng số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại là trên 1.127,6 tỷ đồng, chiếm 86,27% tổng thu ngân sách nhà nước. Số thu tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Đắk Nông và các đơn vị Kho bạc trực thuộc đã giảm từ trên 646,9 tỷ đồng vào năm 2015 xuống còn trên 179,4 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2022.
Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân bỏ thói quen giao dịch bằng tiền mặt. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của Kho bạc Nhà nước với các cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại.