Xử lý ngân hàng yếu kém |
Mục tiêu của đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Đến năm 2025 cần xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém |
Đề án cũng phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).
Nhóm giải pháp để cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các tổ chức tín dụng bao gồm: Tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...; khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Tổ chức tín dụng yếu, yếu kém áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Về nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng...
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, các thủ tục liên quan đến pháp lý các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của ngân hàng để từng bước tháo gỡ khó khăn, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; tạo điều kiện để tổ chức tín dụng có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.