Lời khẩn cầu của Đại biểu ngành Y tế và chỉ đạo từ Thủ tướng |
Từ khi ngành Y tế nảy sinh vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh sau những vi phạm và bất cập, chủ yếu là trong công tác đấu thầu mua sắm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc tháo gỡ những có vẻ “ bệnh" này chưa chuyển mà đang ngày càng trầm trọng.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại thời gian qua, từ ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc hợp thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập . Vào thời điểm đó, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang xuất hiện tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh; nhiều cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc. Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, cần được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm, khẩn trương vào cuộc, kịp thời xử lý, khắc phục.
Từ cuộc họp này, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung khẩn trương thực hiện một số công việc nhằm khắc phục tình trạng nêu trên. Theo đó, Bộ Y tế được giao những đầu việc cụ thể, như:
Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế; chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét ban hành đối với những giải pháp vượt thẩm quyền;
Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương, chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu về thuốc, thiết bị và vật tư y tế để chủ động lên kế hoạch đầu tư, mua sắm;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về dược; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc;
Rà soát, hoàn thiện, ban hành mới quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với thiết bị y tế; trên cơ sở đó, đẩy mạnh phân cấp hoạt động cấp phép đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm của tuyến dưới theo quy định;
Các Bộ, ngành khác như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan được giao chủ động phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền để quy định, hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đấu thầu thuốc tập trung theo quy định; các cơ sở y tế của địa phương thực hiện việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế.
Đến giữa tháng 7, khi giao trọng trách quyền Bộ trưởng Y tế cho bà Đào Hồng Lan, Thủ tướng đã giao 5 nhiệm vụ lớn cho ngành y tế, trong đó có việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, bởi đây đang một sự bức xức của nhân dân. Khi đó, Thủ tướng hoan ngênh Bộ Y tế đã triển khai nhanh chống việc mở các gói thầu tập trung thuốc quốc gia.
Đến ngày 21/8, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân . Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Một trong các chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị này là: "Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu. Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị sức khỏe của nhân dân".
Như nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh. Trước thực trạng đó, mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Trong công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc quyền. Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thủ tướng giao việc cụ thể với thời hạn được xác định rõ cho các Bộ. Trước hết là Bộ Y tế thực hiện 3 việc sau:
Thứ nhất, khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thứ hai, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.
Thứ ba, kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh không dám chịu trách nhiệm..
Tiếp đến là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, hoàn thành trước ngày 15/9/2022. Khẩn trương hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.
Thứ đến là Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ: Phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; đặc biệt là các vấn đề về: Xây dựng dự toán mua sắm; thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm và quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2022. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền trước ngày 15/9/2022.
Điểm lại những chỉ đạo của Thủ tướng thật cụ thể, sát sao, xác định rõ công việc, thời hạn và quy trách nhiệm một khi không hoàn thành cho tổ chức và cá nhân thực hiện, cho thấy người đứng đầu Chính phủ luôn đau đáu khi công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân chưa được vẹn toàn, như ý mà còn có chiều hướng ngày càng trầm trọng. Kết quả thực hiện thế nào tùy thuộc vào nỗ lực của đơn vị và cá nhân được Thủ tướng giao việc.