Có một nghịch lý tồn tại bền bỉ trong nền điện ảnh Việt Nam, đó là những bộ phim giải trí thương mại "phim chợ" thì liên tục oanh tạc phòng vé dù hứng chịu vô số "gạch đá" về sự đi xuống của chất lượng nghệ thuật. Chẳng hạn như một số bộ phim của Trấn Thành, luôn là chủ đề tranh cãi cho khán giả.
Ngược lại, những tác phẩm điện ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao, chinh phục các liên hoan phim danh giá, đoạt giải thưởng lớn lại thường chịu cảnh ế ẩm, buồn như "chợ chiều", chỉ có lác đác vài khán giả trong rạp. Vậy, vấn đề ở đây là gì?
![]() |
Vẫn có một bộ phận khán giả, dù không chiếm số đông, nhưng luôn khao khát những trải nghiệm điện ảnh sâu sắc, những tác phẩm chạm đến trái tim, khơi gợi những suy tư về cuộc sống, về con người - (Ảnh minh họa) |
"Gu" thưởng thức dễ dãi
Trước hết là về thị hiếu của người xem. Không ít ý kiến cho rằng, khán giả đại chúng đang ngày càng ưa thích sự dễ dãi, ngày càng chuộng dòng phim giải mang tính trí đơn thuần, dễ xem, dễ hiểu, không đòi hỏi quá nhiều về chiều sâu nội dung hay giá trị nghệ thuật. Họ có xu hướng tìm đến những bộ phim hài hước, lãng mạn, hành động với tiết tấu nhanh, có cốt truyện đơn giản, gay cấn, đi kèm những pha "chọc cười" duyên dáng. Thay vì những tác phẩm điện ảnh chuyên môn cao, buộc người xem phải chậm lại để suy ngẫm.
Rõ ràng một điều, giữa bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhịp điệu nhanh, áp lực cao, nhiều người đang tìm đến điện ảnh như một hình thức giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Không phải ai cũng mong muốn tìm kiếm một bộ phim để nghiền ngẫm về hiện thực cuộc sống hay chiêm nghiệm về nghệ thuật hình ảnh.
Bên cạnh đó, thị hiếu của khán giả ngày nay, đặc biệt là giới trẻ cũng bị ảnh hưởng sâu rộng bởi sự ra đời của các nền tảng giải trí nhanh như: TikTok, YouTube, Facebook - nơi những nội dung ngắn gọn, dễ tiếp thu đang thống trị. Điều đó hình thành nên thói quen tiêu thụ nội dung nhanh, vì vậy, những bộ phim có nhịp độ nhanh, câu chuyện đơn giản, dễ hiểu và giàu kịch tính sẽ dễ dàng "viral". Điển hình như các phim "Bố già", "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành đã thành công vang dội vì hội tụ đủ sự hài hước, cảm xúc dễ chạm đến số đông, và có cách tiếp cận gần gũi, phù hợp thị hiếu chung.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khán giả Việt Nam quay lưng hoàn toàn với những bộ phim nghệ thuật, có chiều sâu. Vẫn có một bộ phận khán giả, dù không chiếm số đông, nhưng luôn khao khát những trải nghiệm điện ảnh sâu sắc, những tác phẩm chạm đến trái tim, khơi gợi những suy tư về cuộc sống, về con người. Minh chứng là sự xuất hiện của những bộ phim như "Song Lang", "Ròm"... trong các năm gần đây, dù không "bùng nổ" phòng vé, song vẫn có lượng người xem trung thành, sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để thưởng thức và trân trọng các giá trị mà bộ phim mang lại.
![]() |
Ròm - một bộ phim gan góc của điện ảnh Việt |
Suất chiếu - 'cuộc chiến' không cân sức
Bên cạnh yếu tố thị hiếu, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu phòng vé, đó chính là "cuộc chiến" không cân sức giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Phim thương mại, với lợi thế về kinh phí sản xuất, truyền thông, quảng bá, thường được "ưu ái" hơn về lịch chiếu, suất chiếu, và độ phủ sóng tại các hệ thống rạp trên toàn quốc. Trong khi đó, phim nghệ thuật, dù được đánh giá cao về chất lượng, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, do lịch chiếu hạn chế, suất chiếu ít ỏi, khiến nhiều bộ phim "chết yểu" ngay khi vừa ra rạp.
Nói như vậy không phải để đổ lỗi cho nhà phát hành hay rạp chiếu, bởi họ cũng có bài toán kinh doanh riêng, phải "cân đo đong đếm", ưu tiên những lựa chọn an toàn, đảm bảo doanh thu. Nhưng chính sự khác biệt này đã tạo ra một vòng luẩn quẩn: Phim nghệ thuật không có suất chiếu tốt nên không tiếp cận được nhiều khán giả, từ đó doanh thu kém, và hệ quả là ngày càng ít được hiện diện tại rạp.
Vậy, điện ảnh Việt Nam liệu có thể tìm được tiếng nói chung giữa "lời khen" của giới phê bình và "sức hút" của phòng vé? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nhìn ra thế giới, điện ảnh Hàn Quốc đã chứng minh rằng một tác phẩm có thể vừa đạt đỉnh cao nghệ thuật, vừa chinh phục số đông khán giả. Những bộ phim như "Train to Busan", "Parasite"... là những minh chứng điển hình cho sự hài hòa giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật, trở thành hình mẫu lý tưởng mà điện ảnh Việt Nam có thể hướng đến.
Để đạt được điều này, cần có sự chung tay của cả ba phía: Nhà làm phim, nhà phát hành và khán giả. Nhà làm phim cần không ngừng sáng tạo, tìm tòi, mang đến những tác phẩm chất lượng, có giá trị nội dung, hình ảnh và nhân văn cao. Nhà phát hành cần có cái nhìn công bằng hơn đối với phim nghệ thuật, tạo điều kiện để chúng tiếp cận được khán giả. Và khán giả, những người nắm trong tay "lá phiếu" quyết định phòng vé, cũng cần được tiếp cận nhiều hơn với những lựa chọn chất lượng, thay vì chỉ có những món ăn giải trí "mì ăn liền".
Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, điện ảnh Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc, tạo ra những tác phẩm không chỉ "oanh tạc" phòng vé, mà còn đọng lại trong lòng khán giả những giá trị nghệ thuật sâu sắc, góp phần nâng tầm nền điện ảnh nước nhà. |