Lễ chùa đầu năm là nét văn hóa đã có từ lâu của người Việt Nam. Đi lễ chùa đầu năm với nhiều người, vừa là để vãn cảnh chùa, vừa để cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Tùy theo lứa tuổi mà mỗi người mong cầu những điều khác nhau: người già cầu sức khỏe, người đang đi làm cầu công danh, nam thanh, nữ tú cầu duyên, cầu tài…
Tết năm nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo giãn cách theo quy định, nhiều đền chùa đã phải đóng cửa, không đón tiếp người dân đến chiêm bái, đặt lễ…
Người dân vái vọng bên ngoài cửa đền Mẫu (tỉnh Hưng Yên) |
Có mặt tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đình - Chùa - Bia Bà La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) vào ngày mồng 3 Tết, dễ dàng quan sát thấy hàng trăm người đang đứng bên ngoài vái vọng, rồi ngậm ngùi ra về. Không chỉ có người dân Hà Nội mà có cả những người đến từ các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Hưng Yên… Theo những người bán hàng quanh khu di tích, tình trạng này đã diễn ra từ những ngày cuối năm và ngày mồng 1, mồng 2 Tết.
Trò chuyện với ông Phạm Văn Hiền, Phó ban thường trực Ban quản lý di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê, được biết, Đình - Chùa - Bia Bà La Khê là địa điểm du lịch tâm linh có tiếng của Hà Nội nên khi chưa có dịch bệnh COVID-19, vào những ngày tuần rằm, ngày cuối năm, đầu năm, mỗi ngày khu di tích đón cả chục nghìn người đến vãn cảnh, dâng hương và làm lễ. Tết năm nay, thực hiện quy định của thành phố Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19, khu di tích không mở cửa đón khách. Các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng vẫn được tiến hành bình thường trong khuôn viên di tích, nhưng với số người tham dự không quá 20 người - chủ yếu là người phục vụ trong Ban Quản lý di tích, sư thầy chủ trì chùa, đại diện chính quyền, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc…
Không mở cửa, Bia Bà La Khê (Hà Nội) vắng vẻ những ngày đầu năm |
Với mục tiêu đảm bảo an ninh - trật tự, ngay từ trước Tết Nhâm Dần, phường La Khê đã cử 10 người gồm bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ đến căng dây, nhắc nhở người dân không vào trong hay tụ tập đông người trước khu di tích. Tuy nhiên, do nhiều người không nắm được thông tin khu di tích đóng cửa nên những ngày trước Tết và trong Tết, từ sáng tới chiều tối, ngày nào cũng có vài trăm người đến cửa khu di tích vái vọng, cầu tài lộc, bình an…
Tình trạng trên trên cũng diễn ra tại các đền, chùa lớn ở Hà Nội như: Quán Sứ, Quán Thánh, Phủ Tây Hồ, Đền Và… Mặc dù không mở cửa, nhưng địa điểm nào cũng tập trung khá đông người dân đứng vòng quanh, người vái vọng, người chụp ảnh lưu niệm, người tỏ ra tiếc nuối vì lỡ buổi lễ chùa đầu năm, người ra sức năn nỉ lực lượng bảo vệ với mong muốn được vào đặt một chút lễ mọn để tỏ lòng thành…
Tấm biển thông báo xuất hiện ở hầu hết các đền, chùa vào thời gian này |
Theo ông Phạm Văn Hiền - Phó ban thường trực Ban quản lý di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê: Đi lễ không chỉ là nét văn hóa lâu đời mà còn là nhu cầu tâm linh của rất nhiều người dân. Đầu năm đi cầu, cuối năm tạ lễ, cung tiến “giọt dầu” để nhà chùa có thêm điều kiện hương hỏa, tô tượng, đúc chuông… Người dân thành tâm đến với đền, chùa là để thấy tâm an, thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Chính vì vậy, mặc dù có quy định không mở cửa nhưng việc giải thích nhẹ nhàng, tế nhị, tạo điều kiện để người dân đặt lễ là điều rất cần thiết với những nơi thờ tự trong thời gian dịch dã.
“Nhìn cảnh các phật tử, tín đồ chen chúc, vái vọng từ xa…, chúng tôi rất chạnh lòng, những mong dịch bệnh COVID-19 sớm kết thúc, cuộc sống trở lại an bình để các di tích đền, chùa lại được đón khách thập phương đến chiêm bái và vãn cảnh” - ông Phạm Văn Hiền chia sẻ.